Theo đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh nhận được thông tin trên phương tiện thông tin về việc: Bệnh viện Ung bướu TPHCM “câu” bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ dưới mác liên kết chuyên môn”. Sau khi xem xét, Cục đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương xác minh, làm rõ các thông tin, phản ánh trên và có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 (nếu có); khẩn trương có báo cáo về Bộ Y tế và công khai trên các cơ quan báo, đài.
Đồng thời, Sở Y tế TPHCM tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ và các văn bản có liên quan.
Văn bản số 263 cũng nhấn mạnh, Sở Y tế TPHCM phải báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám chữa bệnh) trước ngày 24-3.
Trước đó, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin phản ánh việc: 7 năm qua Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đã chuyển hàng ngàn bệnh nhân bị u bướu sang mổ tại Bệnh viện Hồng Đức. Theo đó, mỗi người bệnh phải chi trả thêm hàng chục triệu đồng cho Bệnh viện Hồng Đức.
Báo SGGP đã có buổi làm việc với đại diện Bệnh viện Ung bướu TPHCM và được vị đại diện đơn vị này cho biết, năm 2015, UBND TPHCM cho phép bệnh viện này hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Hồng Đức nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm quá tải cho Bệnh viện Ung bướu TPHCM theo đúng quy định của pháp luật.
Trong đề án và thực tế công tác, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã xây dựng và tuân thủ chặt chẽ các quy trình: quy trình chuyển viện, quy trình tham gia phẫu thuật, quy trình khám sau mổ, quy trình xử lý khi xảy ra tai biến, biến chứng, cũng như quy định rất rõ về trách nhiệm của mỗi bên tham gia đề án (tất cả đều thể hiện trong đề án).