Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, bộ này cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine. Đối với tình hình dịch trong nước, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11.000 ca tử vong. Riêng trong tháng 7-2022, ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới, 6 ca tử vong; số mắc mới trung bình 1.000 ca/ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 2 ca.
Đặc biệt, Việt Nam đã ghi nhận các biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron và đang dần chiếm ưu thế tại các tỉnh phía Nam, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ em tại nhiều địa phương còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Trước tình hình trên, Bộ Y tế cho rằng, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với Covid-19 có nhiều thách thức. Trong đó, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan có nhiều quy định khác biệt giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và nhóm B như: giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Do đó, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng chống dịch Covid- 19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bộ Y tế cũng đề xuất 2 tình huống ứng phó dịch Covid-19 trong năm 2022-2023, gồm:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: giám sát phát hiện; kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly, theo dõi sức khỏe; khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám chữa bệnh.