Ngày 23-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có thông tin tới báo chí về chủng virus cúm A/H1pdm khiến 1 nam giới ở Bình Định bị nhiễm và tử vong mới đây.
Theo Cục Y tế dự phòng, chủng cúm A/H1pdm thực chất là chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 nên có tên là Pandemic (pdm).
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm: A/H3N2, cúm B và cúm C. Đối với những người mắc bệnh nền, miễn dịch yếu, khi mắc cúm A/H1pdm thì có thể tiến triển nặng, nguy cơ tử vong. Loại virus cúm A/H1pdm cũng có khả năng lây lan nhanh qua tiếp xúc.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Định có báo cáo Bộ Y tế về việc trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm. Bệnh nhân là ông Trần Văn T. (sinh năm 1973, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) có triệu chứng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều nên được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh khám.
Tại đây, ông T. được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiền đình, viêm phế quản, tiên lượng nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Đến chiều 17-10, ông T. hôn mê sâu, thở máy, nhịp tim chậm dần… nên được người nhà xin về và tử vong tại nhà. Qua điều tra dịch tễ, CDC Bình Định cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tại địa phương này phát hiện 3 ca mắc cúm A/H1pdm.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vaccine cúm mùa.