Chiều tối 6-9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8 ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Tại buổi họp báo, về việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Việt Nam sản xuất, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hiện vẫn còn một số tồn tại mà Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y Sinh học quốc gia kiến nghị đơn vị sản xuất đáp ứng, giải quyết với mong muốn sớm có vaccine trong nước. Cụ thể:
Về tính an toàn, cần cập nhật dữ liệu tính an toàn cho các đối tượng đã tiêm 1 liều và giải thích rõ các sự cố.
Về tính sinh miễn dịch, cần cập nhật tính sinh miễn dịch theo các biến chủng mới, cần thực hiện theo đúng đề cương nghiên cứu.
Về tính bảo vệ, Hội đồng đề nghị bàn luận, tính toán để tính sinh miễn dịch phải đảm bảo trên 50% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
“Chúng ta mong có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất, nhưng đây là sản phẩm đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng đến 1 người mà liên quan đến cả cộng đồng, ảnh hưởng nhiều thế hệ. Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất nhanh chóng nhưng phải an toàn. Do đó, Hội đồng Đạo đức đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu bổ sung thêm một số vấn đề”, Thứ trưởng nói và cho biết thêm, khi Hội đồng Đạo đức, Hội đồng Khoa học thống nhất tất cả các vấn đề liên quan thì vaccine sẽ được cấp phép. |
Trả lời câu hỏi liên quan đến kịch bản khi tiêm đủ 2 mũi vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đây là vấn đề Chính phủ đã chỉ đạo. Bộ Y tế sẽ bàn sớm, và trước hết sẽ bàn trong nội bộ Bộ Y tế với các nhà khoa học để đưa ra đề xuất phù hợp, sau đó tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ.
Về giải pháp học tập cho học sinh hiện nay, nhất là ở địa bàn có dịch, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương vẫn đang giãn cách phải tận dụng các hình thức học khác nhau trong thời gian này, có thể học trực tuyến, học qua truyền hình.
Tuy nhiên, việc học trực tuyến có những khó khăn, như giảm tương tác giữa thầy và trò; thiếu thiết bị học tập; dung lượng đường truyền không bảo đảm khi mà cùng lúc mười mấy triệu học sinh cùng học.
“2 khó khăn lớn nhất là thiết bị và đường truyền. Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết. |
Do đó, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương các phương án khác trong việc dạy và học, như tận dụng kho học liệu trên mạng (có những bài giảng, video với nội dung giảng dạy các môn học đã được bộ cung cấp trên các địa chỉ mà Bộ GD-ĐT đã công bố); hoặc có thể học qua truyền hình; tận dụng các bài giảng điện tử, bài học điện tử để học sinh học ở nhà.
Theo Thứ trưởng, hiện Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị một kho học liệu rất lớn. Riêng với lớp 1, đã có video bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh khá đầy đủ. Các bài giảng video cũng đã phát trên kênh truyền hình quốc gia. Còn nếu khó khăn nữa thì các địa phương cần chú trọng việc hướng dẫn học sinh học từ xa qua các tài liệu đã được chuẩn bị…
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, việc học gặp nhiều khó khăn, toàn ngành giáo dục phải nỗ lực, đồng thời cần sự chung tay của toàn xã hội, các bộ ngành, địa phương trong việc hỗ trợ đường truyền; hỗ trợ học sinh học tập.
“Chúng ta phải tiếp tục việc học trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong chiến tranh, việc học vẫn không dừng. Chúng ta sẽ tận dụng tất cả những cơ hội và khắc phục khó khăn để tiếp tục việc dạy và học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Tại buổi họp báo, thông tin về những kết quả bước đầu của việc huy động công an, quân đội hỗ trợ TPHCM chống dịch, Trung tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng Bộ Công an) cho rằng khi dịch bệnh ở tình trạng cấp bách, các lực lượng tại chỗ đã cố gắng hết mức cũng không thể đáp ứng được, nên Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã được điều động lực lượng vào hỗ trợ.
Từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, công an các địa phương phía Nam đã huy động tối đa quân số tham gia chống dịch với trên 200.000 chiến sĩ, tham gia trên tất cả trận tuyến. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ, nhiều đơn vị 3 tháng nay không nghỉ ngơi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ và hơn 2.500 học viên các trường công an tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân và hơn 600 cán bộ y tế công an tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Riêng trong sáng 6-9, hơn 900 cán bộ chiến sĩ công an, các lực lượng đã vào hỗ trợ cho 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An chống dịch, xuất phát từ đề nghị của các địa phương.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, sự hiện diện của công an trên các lĩnh vực đã rõ, hiệu quả thì để nhân dân và các cấp ủy, chính quyền đánh giá. Lực lượng công an luôn nỗ lực hết mình, làm mọi việc để ngăn chặn dịch bệnh và đảm bảo an ninh trật tự cho cuộc sống của người dân.
Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức (Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng), trước diễn biến dịch phức tạp ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Quốc phòng đã điều động trên 120.000 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ để tăng cường cho công tác phòng chống dịch, trong đó có hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng duy trì hàng nghìn tổ chốt, trong đó có 1.900 tổ chốt kiểm soát ở tuyến biên giới để kiểm soát xuất nhập cảnh trái phép, duy trì hàng nghìn chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, góp phần thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, hạn chế người ra đường làm lây lan dịch bệnh…
Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị đã nhường doanh trại để đảm bảo việc ăn ở cho 190.000 lượt người; kịp thời điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên; điều động 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ cũng đã thành lập 11 bệnh viện dã chiến và truyền nhiễm và trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô khoảng trên 6.000 giường bệnh để chia sẻ, hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương.