Bệnh sởi tăng theo đường thẳng đứng
Báo cáo với Bộ Y tế, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết từ đầu năm đến tháng 6-2024, cơ sở này không có bệnh nhân sởi. Tuy nhiên sau đó, số ca sởi tăng cao theo đường thẳng đứng và cao nhất từ tháng 8 đến nay với 368 trường hợp, 11% bệnh nặng cần hồi sức. Trong đó, bệnh nhân ở tỉnh chiếm 2/3, hơn 50% là trẻ dưới 1 tuổi. Đáng lo ngại, tất cả các ca sởi nặng cần hồi sức đều không tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Hiện bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong vì bệnh sởi. Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận khoảng 600 ca sốt xuất huyết, 900 ca tay chân miệng trong 8 tháng qua.
Theo TS Ngô Ngọc Quang Minh, ngay từ đầu năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch, dự trù nhân sự, thuốc, vật tư và trang thiết bị, đặc biệt là các tình huống chi tiết để xử trí nhuần nhuyễn. Bệnh nhân sởi được phân luồng ngay tại Khoa Khám bệnh, có phòng khám sàng lọc sởi. Nếu trẻ bị suy hô hấp sẽ được chuyển vào phòng cách ly tại Khoa Cấp cứu. Việc chuyển bệnh được thực hiện bằng lối đi riêng lên khu cách ly sởi của Khoa Nhiễm-Thần kinh (riêng 1 tầng với khoảng 100 giường).
Trường hợp bệnh nhân ổn định, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách ly chăm sóc tại nhà, tái khám tại phòng sàng lọc. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện chặt chẽ xuyên suốt, tổ chức tiêm vaccine cho trẻ chưa chủng ngừa đầy đủ và nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sởi.
Đáng lo ngại, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh cho biết, hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 không còn thuốc cấp cứu Dopamin - một loại thuốc rất quan trọng trong hồi sức cấp cứu, điều trị tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bệnh viện đã phải họp bàn tìm thuốc thay thế nhưng hiệu quả điều trị không đạt 100%. Do vậy, Bệnh viện Nhi đồng 1 đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ đảm bảo nguồn cung ổn định về vật tư, thuốc chống dịch (IVIG) cũng như thuốc cấp cứu (Dopamin...); sớm cập nhật phác đồ điều trị sởi và cần cụ thể hơn 1 số nội dung đáp ứng thực tế lâm sàng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước, hạn chế chuyển tuyến để giảm gánh nặng cho các bệnh viện trên địa bàn TPHCM.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tỷ lệ trẻ có kháng thể phòng bệnh sởi từ tháng 9-2022 đến tháng 4-2024 luôn thấp dưới 95%. Mẫu khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng cho thấy chỉ có 71% có trẻ kháng thể phòng sởi. Do vậy, ngành y tế TP đã chủ động nhiều giải pháp để phòng chống dịch sởi trong đó có công tác tiêm vaccine.
Giảm thấp nhất ca nặng và tử vong
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, 3 tháng đầu năm 2024, thế giới có gần 57.000 ca mắc sởi ở 45 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Một số quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp với dịch sởi.
Có 5 nguyên nhân dẫn đến dịch sởi bùng phát trở lại:
- Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã tạo ra khoảng trống tiêm chủng với bệnh lưu hành, không chỉ với sởi mà còn nhiều bệnh khác.
- Thứ hai, do các quốc gia tập trung ứng phó với Covid-19 nên ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện kiểm soát các dịch bệnh khác.
- Thứ ba, hệ quả của phong toả, hạn chế đi lại dẫn đến làm giảm khả năng miễn dịch của con người với bệnh lây nhiễm thông thường.
- Thứ tư, xu hướng hội nhập giao lưu hợp tác quốc tế sau đại dịch.
- Thứ năm, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, kháng thuốc, thiếu hụt thuốc vật tư và khó khăn trong nghiên cứu phát triển thuốc, vaccine, phác đồ điều trị…
Đối với Việt Nam, số ca bệnh sởi gia tăng ở một số tỉnh thành, TPHCM cũng đã công bố dịch sởi, tình hình ngày càng khó khăn và thách thức. Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM có kế hoạch và phương án tốt, chủ động ứng phó phòng chống dịch. Đặc biệt là việc phân luồng ban đầu, hướng dẫn cho phụ huynh tự cách ly điều trị ở nhà với những ca sởi ổn định góp phần quan trọng giúp giảm tải bệnh viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Cục, Vụ ghi nhận các ý kiến đề xuất của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, kịp thời phối hợp giải quyết. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, thu dung điều trị giảm ca nặng và tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo, có phương án phối hợp với các bệnh viện khác để hỗ trợ, kể cả với các bệnh viện trung ương trên địa bàn TPHCM. Không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch với tay chân miệng, sốt xuất huyết.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý, TPHCM trong giai đoạn này ưu tiên tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, sau đó cần mở rộng cho trẻ trên 5 tuổi đến 10 tuổi, đồng thời tiêm cho nhân viên y tế chưa được chủng ngừa và nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cần thường xuyên trao đổi thông tin với Cục Y tế dự phòng và các tỉnh thành nơi mà bệnh nhân sởi cư trú; đảm bảo thuốc và trang thiết bị phòng chống dịch, năng lực xét nghiệm; báo cáo Sở Y tế và Cục Quản lý Dược trong trường hợp cần thông tin của nhà cung ứng thuốc; tăng cường truyền thông phòng chống dịch sởi nhưng không gây hoang mang, tránh xáo trộn không cần thiết. Đồng thời, tăng cường đào tạo năng lực cho các cơ sở y tế tuyến dưới, cơ sở tư nhân. Bộ Y tế cũng đề nghị bệnh viện tiếp tục hỗ trợ cập nhật phác đồ điều trị bệnh sởi, kịp thời ban hành trong thời gian sớm nhất.
Chiều nay, Bộ Y tế tiếp tục có buổi làm việc với UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch sởi.