Thông tin tại buổi họp báo, liên quan đến việc các nghệ sĩ quyên góp tiền từ thiện đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay, Trung tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết, vừa qua, Bộ Công an đã nhận được tin báo tố giác tội phạm và đơn tố cáo liên quan một số cá nhân trong hoạt động gây quỹ quyên góp từ thiện, hỗ trợ cho nhân dân miền Trung bị lũ lụt trong năm 2020.
Vì vậy, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự thụ lý, kiểm tra, xác minh nguồn tin. Hiện Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng rà soát, xác định những tài khoản huy động tiền từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân. Cục cũng đang phối hợp với UBND và MTTQ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác định số tiền, hàng mà các cá nhân tiến hành cứu trợ, từ thiện tại các địa phương. Cơ quan chức năng cũng mời làm việc với một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để sớm có kết luận về vấn đề này.
Song song đó, Cục Cảnh sát hình sự cũng đã đề nghị cảnh sát hình sự ở các địa phương rà soát, nắm tình hình thực tiễn diễn ra trên các địa bàn để kịp thời phát hiện các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản. “Đây là vấn đề gây xôn xao dư luận thời gian qua. Các cá nhân gửi đơn tố cáo, bị đơn cũng như công dân mạng cần bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, không nên có phát ngôn không phù hợp gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người tố cáo và người bị tố cáo. Đặc biệt, cần tránh việc lợi dụng việc này để câu view, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội”, Trung tướng Tô Ân Xô nêu quan điểm.
Cũng tại họp báo, về kế hoạch phân bổ vaccine ngừa Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiêm vaccine. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đề cập kế hoạch tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, kế hoạch tiêm mũi 2 để đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất. Các địa phương đã có kế hoạch gửi về và Bộ Y tế đã đưa ra khung phân bổ vaccine theo từng tuần, từng tháng, tuy nhiên do lượng vaccine về còn khiêm tốn nên chưa thể đáp ứng ngay. Khi vaccine về, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, ưu tiên cho Hà Nội, TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai để kịp thời bao phủ vaccine diện rộng.
Bộ Y tế cũng cho biết, dự kiến năm nay và nửa đầu năm 2022, Việt Nam tiếp cận khoảng 150 triệu liều vaccine. Dự kiến từ nay đến cuối năm, lượng vaccine về khoảng 54 triệu liều. Bộ Y tế sẽ phân bổ từng tuần theo từng loại vaccine cho địa phương, căn cứ vào diễn biến dịch ở địa phương. Riêng về việc hướng dẫn cho trẻ em dưới 18 tuổi tiêm vaccine, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng cùng với Hội đồng vaccine quốc gia họp, thảo luận và bước đầu đưa ra thống nhất xem vaccine nào có thể tiêm được cho trẻ em dưới 18 tuổi, vaccine nào không tiêm được. Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo hướng dẫn này và đang tiếp tục xin ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và các cơ quan chuyên môn. Bộ sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất, vaccine về đến đâu thì triển khai tiêm đến đó.
Về vấn đề chi phí xét nghiệm Covid-19, đặc biệt là giá xét nghiệm nhanh mà dư luận đang đặc biệt quan tâm, nhất là việc nhiều địa phương đã cho phép doanh nghiệp tự test Covid-19 cho người lao động, nhưng doanh nghiệp không thể mua được kit xét nghiệm với giá rẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về xét nghiệm để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân cũng như công nhân trong các doanh nghiệp. Trong đó hướng dẫn rất cụ thể đối tượng nào trong doanh nghiệp được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc và gộp mẫu xét nghiệm.
Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm, trong đó có 35 test xét nghiệm PCR và 39 test xét nghiệm kháng nguyên để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng test Covid-19 phục vụ các doanh nghiệp và địa phương. Các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm hàng tuần phải cập nhật công khai giá trên Cổng thông tin giá của Bộ Y tế để đảm bảo tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo ra sự lành mạnh.
Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, lợi ích nhóm trong vấn đề này, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị; thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ Y tế cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra bộ làm trưởng đoàn, đi kiểm tra các tỉnh mà bộ cho rằng cần thanh tra trước để xem xét, chấn chỉnh như thông tin báo chí đã đưa.
Về kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, bộ đã trình Chính phủ 2 kịch bản, dựa trên kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và triển vọng 3 tháng cuối năm. Một là tăng trưởng cả năm đạt 3%, muốn vậy thì tăng trưởng quý 4 phải đạt 7,06% trở lên. Hai là tăng trưởng cả năm đạt 3,5%, muốn vậy thì tăng trưởng quý 4 phải đạt 8,84% trở lên. Theo Thứ trưởng, tăng trưởng quý từ 7% trở lên trong quá khứ chúng ta đã từng đạt được. Tuy nhiên, tăng trưởng quý 4 năm nay còn phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn Covid-19. Để đạt tăng trưởng cao, doanh nghiệp phải được hoạt động, không bị “đóng băng”; hàng hóa phải được lưu thông ở cả đầu vào và đầu ra; lao động cũng phải được dịch chuyển. Chính phủ có quy định y tế để lao động được dịch chuyển một cách an toàn.