(SGGP).- Ngày 18-10, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng tổ chức sơ kết công tác kiểm soát tình hình nhiễm melamine trong sữa và sản phẩm từ sữa tại thị trường Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, cho tới thời điểm này, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được tình hình nhiễm melamine trong sữa và sản phẩm từ sữa tại thị trường.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng do Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới thực sự bất ngờ trước thông tin sữa có chất melamine. Hay nói cách khác, trước khi xảy ra sự kiện trên thì melamine không có trong “kịch bản” của việc kiểm tra chất lượng ATVSTP đối với sữa và sản phẩm từ sữa, vì đây là hóa chất do con người chủ động bỏ vào sữa.
Ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, các đoàn đã kiểm tra được 6.483 lượt cơ sở và lấy 283 mẫu xét nghiệm, đã phát hiện 24 mẫu sản phẩm nhiễm melamine. Số sản phẩm nhiễm melamine đã được xác định là sữa bột nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Qua kiểm tra, các đoàn thanh tra cũng đã thu hồi, niêm phong 143,5 tấn sữa nước các loại, 240 tấn sữa bột và bột kem các loại và 0,5 tấn bánh, kẹo các loại nhiễm melamine.
Ngoài ra, còn niêm phong 274 tấn sữa nghi ngờ nhiễm melamine để kiểm nghiệm. Tuy nhiên những lô hàng nghi có nhiễm melamine, sau khi công bố kết quả kiểm nghiệm không nhiễm melamine đang được khẩn trương giải tỏa để giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, lưu thông.
Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp và người dân là hướng giải quyết xử lý hàng trăm tấn sữa và các sản phẩm từ sữa có nhiễm melamine đang bị thu giữ. Trước vấn đề này, TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng, mục đích lớn nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là trẻ em nên không thể chấp nhận việc đưa ra chuẩn melamine có trong thực phẩm, đặc biệt là trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể sử dụng số sữa này cho con người.
Liên quan tới ý kiến có thể chuyển đổi mục đích sử dụng số sản phẩm này, như dùng làm thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN-PTNN kiến nghị, không sử dụng số sản phẩm này dưới mọi hình thức cho chăn nuôi. Bởi theo một nghiên cứu của WHO về ung thư thì trên động vật thí nghiệm có đủ bằng chứng để nói rằng melamine có thể gây ung thư bàng quang với điều kiện có sỏi bàng quang hình thành. Và cũng sẽ rất nguy hiểm nếu con người sử dụng thực phẩm từ động vật đã nhiễm melamine.
Kh.Nguyễn