Ngày 20-9, tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sau nhiều cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung i-ốt.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế
Theo Nghị định 09/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung i-ốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho hai mục đích trên. Theo Nghị định này không yêu cầu phải sử dụng muối có chứa i-ốt tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng i-ốt trong thành phẩm thực phẩm.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã văn bản số 1216/2017 khẳng định rằng: "Các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt". Sau đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn tới Bộ Y tế kiến nghị bãi bỏ quy định các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng nhắc nhở Bộ Y tế tháo gỡ cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi của Bộ Y tế quản lý vì hiện trong lĩnh vực y tế có rất nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.
Việc tháo gỡ thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng phải tạo điều kiện thông thoáng cho kinh tế phát triển, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống co kéo lợi ích cục bộ, đặc biệt rất lưu ý bỏ rào cản, giấy phép con.
Lãnh đạo Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm đi kiểm tra an toàn thực phẩm
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết trước cuộc làm việc với Bộ Y tế, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để lắng nghe những ý kiến của cộng đồng kinh doanh. Và vấn đề kiểm tra chuyên ngành được quan tâm nhiều nhất.
“Liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm, chúng ta nói rằng vì sức khỏe nhân dân, nhưng nói một đằng làm một nẻo. Tại cảng kiểm tra mà không có sản phẩm, chỉ kiểm tra hồ sơ. Không kiểm tra mẫu sản phẩm mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp mang hồ sơ lên lên Núi Trúc (trụ sở Cục An toàn thực phẩm) làm. Chúng tôi có đủ cơ sở để chứng minh"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ.
Trong đó, Bộ Y tế đã sửa đổi nhiều vấn đề doanh nghiệp quan tâm như sửa đổi Nghị định 38 theo hướng doanh nghiệp được tự công bố phù hợp an toàn thực phẩm, không cần phải xác nhận từ cơ quan y tế. Còn đối với những thủ tục, giấy phép nào thực sự cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người dân thì sẽ tiếp tục bàn thảo để tìm cách sửa đổi, hay bãi bỏ.