Các cử tri đề nghị cần kiểm tra, rà soát việc xây dựng tượng đài tại các địa phương hiện nay đầu tư có phù hợp hay không, nhất là trong bối cảnh nợ công cao, phải vay tiền mới để trả nợ tiền vay cũ.
Trong văn bản trả lời gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về mỹ thuật (trong đó có tượng đài); song UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình mới là cấp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về mỹ thuật tại địa phương.
UBND cấp tỉnh chỉ phải xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi cấp phép xây dựng đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng cấp quốc gia, tượng đài, tranh hoành tráng về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng trong khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng.
Vẫn theo văn bản trả lời của Bộ này, vừa qua, ở một số địa phương có một số công trình tượng đài, tranh hoành tráng chưa đạt chất lượng như yêu cầu, quy mô không phù hợp. Trước tình hình đó, Bộ đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, đề nghị kiểm tra, rà soát việc xây dựng tượng đài và chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép xây dựng các công trình tượng đài...
Cũng trong lĩnh vực văn hoá, cử tri Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “chỉ tập trung vào các cuộc thi người đẹp, tổ chức các lễ hội, xây dựng các đền thờ, chùa chiền… mà chưa quan tâm đến đời sống văn hóa trong cộng đồng khu dân cư”.
Trả lời cử tri, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Bộ không tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu mà chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên. Trong thời gian vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý đối với hoạt động này nhằm đảm bảo hoạt động tổ chức thi hoa hậu được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Về xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng khu dân cư, Bộ đang tiếp tục thực hiện đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Quan điểm, nội dung chính của đề án là nhằm khai thác tốt mọi nguồn lực xã hội, đầu tư chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa cho người dân ở nông thôn thông qua các giải pháp nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa, hoàn thiện hệ thống thiết chế và chất lượng hoạt động văn hóa - thể thao xã, thôn.
Bộ cũng đang dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “gia đình Văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”, dự kiến trình Chính phủ trong quý II-2018.