Liên quan công tác bảo vệ bảo vật quốc gia, Bộ VH-TT-DL đề nghị tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, trong đó lưu ý có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính; kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Chuông đình Nhật Tảo (Hà Nội) - một trong những bảo vật quốc gia được địa phương bảo quản, lưu trữ. Ảnh VIỆT CƯỜNG |
Về bảo quản bảo vật quốc gia, Bộ VH-TT-DL đề nghị ưu tiên đầu tư kinh phí để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt. Việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt; quá trình thực hiện bảo quản phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật bảo quản...
Về phát huy giá trị bảo vật quốc gia Bộ VH-TT-DL yêu cầu xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước; báo cáo định kỳ về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia, kèm theo hình ảnh liên quan, gửi về bộ trước ngày 31-8 hàng năm.