Theo nhận định của Bộ VH-TT-DL, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018 trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.
Thực hiện quản lý nhà nước về lễ hội theo đúng quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.
Đặc biệt, không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Cùng đó, Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bộ VH-TT-DL cũng lưu ý về việc địa phương thực hiện yêu cầu về việc tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội...