Văn bản số 3754/BVHTTDL-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung quản lý việc chứng nhận, tôn vinh của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp nói rõ: trong thời gian qua, nhiều tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đã tổ chức một số hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa như: Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam”, Bằng chứng nhận, tôn vinh “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”, công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, bằng chứng nhận “Tôn vinh nghệ nhân”.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam là hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam” và “Cây di sản”; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp bằng “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng “Công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” và tôn vinh “Nghệ nhân”...
Không chỉ vậy, một số điện thờ, đền tư gia tự xây, không có giá trị kiến trúc nghệ thuật, đồ thờ được làm mới và không gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử nhưng vẫn “đạt chuẩn” và “linh thiêng”.
Cụ thể như: Đền Giáp Đàm ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đền Hồng Sơn ở thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội; chùa Thực Khánh, chùa Long Mỹ, chùa Miếu Môn, chùa Duyên Ứng ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố nhưng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam lại cấp bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”.
Bộ VH-TT-DL cũng cho biết có hiện tượng thu tiền của các đơn vị, cá nhân được chứng nhận, tôn vinh dưới hình thức kinh phí hỗ trợ gắn biển “Việt Nam linh thiêng cổ tự”; kinh phí hỗ trợ biểu tượng “Đạo đức toàn cầu UNESCO”.
Do vậy, Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh, việc chứng nhận, tôn vinh nói trên của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp đã vi phạm các quy định của pháp luật về thi đua-khen thưởng, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc tôn vinh một số đền, chùa miếu một cách tự phát không được pháp luật quy định, các đối tượng tiếp nhận không thuộc diện điều chỉnh của các quy định và chế độ, chính sách của Nhà nước nên gây hiểu nhầm và dư luận không tốt trong xã hội, giữa các đối tượng được Nhà nước trao tặng danh hiệu, công nhận, vinh danh và cấp bằng với các đối tượng do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp công nhận...