Trong số kiến nghị trên, UBND TPHCM phản ánh, số lượng hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp (LLTP) mà Sở Tư pháp TPHCM phải giải quyết trung bình khoảng 800 hồ sơ/ngày, cộng với thời gian trả kết quả xác minh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nên rất khó đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ theo quy trình số 570/ TTLLTPQG-QLHC (là 3 ngày làm việc).
Bộ Tư pháp cho biết, để bảo đảm thời hạn cấp phiếu là 3 ngày làm việc, cơ quan công an thực hiện tra cứu xác minh sẽ trả kết quả trong 2 ngày làm việc; cơ quan tư pháp nhận và gửi tra cứu xác minh trong 1/2 ngày; nhận kết quả tra cứu, xác minh, cấp phiếu trong vòng 1/2 ngày. Tuy nhiên, đây là quy trình thí điểm, do đó, sau thời gian thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện quy trình.
Cũng liên quan đến hồ sơ nộp bằng hình thức trực tuyến yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2, song công dân đang ở nước ngoài nhưng có tài khoản định danh mức độ 2 của VNeID nên người khác dùng để đăng nhập phần mềm 1 cửa để nộp hồ sơ, dẫn đến việc tiếp nhận hồ sơ không đúng theo quy định. Tương tự, hồ sơ nộp bằng hình thức dịch vụ bưu chính yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2, tuy nhiên công dân đang ở nước ngoài nên thông qua văn phòng công chứng để thực hiện việc chứng thực căn cước công dân và nộp hồ sơ theo hình thức dịch vụ bưu chính cũng dẫn đến việc tiếp nhận hồ sơ không đúng quy định, Bộ Tư pháp đã tiếp thu và sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc bộ nghiên cứu, sớm có phương án giải quyết.
UBND TPHCM đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của hoạt động trọng tài thương mại, hòa giải thương mại theo hướng tăng cường và đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại và hòa giải thương mại (đơn giản hóa thủ tục hành chính; có biện pháp rà soát, kiểm tra, phân loại tranh chấp; phân định cụ thể đối tượng áp dụng và trách nhiệm của các bên tòa án, cơ quan thi hành án, trung tâm trọng tài thương mại, trung tâm hòa giải thương mại…).
Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại đang được giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng. Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp ý kiến của TPHCM trong quá trình tham mưu cho Chính phủ đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại. Bộ đề nghị “địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp, có văn bản, tham gia góp ý sâu hơn, cụ thể hơn để đưa những nội dung kiến nghị, đề xuất, đóng góp ý kiến cho dự thảo luật được hiệu quả, khả thi”.