Cho ý kiến về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể sáng 11-11, các ĐBQH bày tỏ quan tâm đến việc làm rõ các hành vi bị cấm, đề nghị bổ sung các chế tài phù hợp với thời đại công nghệ số.
ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Trần Chí Cường nhận định: “Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất. Dự thảo cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu; quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử”.
ĐB cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng bằng cách quy định rõ vào Luật này nghiêm cấm hành vi “làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử”.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, song ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị bổ sung quy định về hành vi vi phạm để áp dụng các hình thức xử lý phù hợp, như kỷ luật, truy tố trách nhiệm hình sự đối với cá nhân; đình chỉ hoạt động với các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, ĐB Thạch Phước Bình lưu ý, các quy định giải quyết tranh chấp trong dự thảo Luật còn quá chung chung, cần nghiên cứu, bổ sung phương thức mới trong giải quyết tranh chấp giao dịch thông qua hợp đồng điện tử cho phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và Cách mạng 4.0 trên thế giới.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) ghi nhận, Ban soạn thảo đã rất kỳ công rà soát 26 luật liên quan. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn đang có xung đột với một số luật khác, điển hình là Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Lưu trữ… Đơn cử, Luật Đầu tư đã quy định kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số, kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử là hai ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Luật này cần cụ thể nội hàm của dịch vụ tin cậy khi đưa vào danh mục của Luật Đầu tư, chứ không nên liệt kê “dịch vụ tin cậy” một cách chung chung, mà phải xác định rõ dịch vụ cấp dấu thời gian, rồi dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu dịch vụ chữ ký số công cộng…
Liên quan đến Luật Lưu trữ, dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép thay thế việc lưu trữ các văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu hoặc thông tin dưới dạng văn bản giấy, văn bản giấy theo yêu cầu của pháp luật bằng việc lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu; song Luật Lưu trữ lại quy định: tài liệu được số hóa từ tài liệu lưu trữ trên các vật mang tên khác không có giá trị thay thế tài liệu đã được số hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể trở thành lực cản cho quá trình phát triển số của Việt Nam.
“Ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số, Bộ TT-TT sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác, cũng sẽ không làm thay công việc của các bộ, ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.