Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đã có đề án xử lý ô nhiễm môi trường ở các dòng sông mà đại biểu đã nêu, tuy nhiên cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.
Trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) hỏi: “Tại kỳ họp thứ 3 tôi đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường một câu hỏi về giải pháp khắc phục ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy. Bộ trưởng hứa sau 5 năm trả lại màu xanh sông. Nhưng hiện nay tình trạng ô nhiễm hai con sông này vẫn chưa được khắc phục. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm giải quyết, lý do tại sao chưa giải quyết, giải pháp sắp tới như thế nào”?
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, mong muốn của đại biểu, nhân dân và cả cá nhân ông là giải quyết tình trạng ô nhiễm các con sông càng sớm càng tốt.
"Như tôi nói là sau 5 năm để sông trở lại như xưa, xanh, sạch, đẹp thì cần một số điều kiện. Quan điểm xử lý của Bộ là phải xử lý tại nguồn. Người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý. Các dòng sông nêu trên đều là liên tỉnh, chạy qua nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình. Đặc biệt Hà Nội nguồn nước sinh hoạt chưa xử lý chảy ra, hay nước chảy từ Hòa Bình về Hà Nam. Trách nhiệm là thuộc về các địa phương" - Bộ trưởng TN- MT trần tình.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết đã có đề án xử lý ô nhiễm môi trường ở các dòng sông mà đại biểu đã nêu, tuy nhiên cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.
"Chúng tôi đã có kiến nghị chính quyền địa phương phải đánh giá nguồn thải và lựa chọn mô hình xử lý. Mô hình hiện nay lựa chọn công nghệ không phải là khó. Thực tế Hà Nội đã có 2-3 mô hình xử lý tại từng đoạn sông, các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Nếu tính toán chi phí từ Nhà nước và sự tham gia của các đối tượng, hoàn toàn có thể thu hút xã hội hóa. Vướng mắc là lựa chọn đối tác công tư, thủ tục đấu giá, không khác gì vốn Nhà nước, nên chậm thu hút nguồn lực xã hội hóa", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) ghi nhận việc giải quyết nhà ở cho đối tượng có công, người nghèo đã có sự tích cực nhưng nhà ở cho công nhân còn khiêm tốn, ngành Xây dựng có giải pháp gì?
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cung cấp thông tin: Vừa qua các cấp các ngành địa phương thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có 1,8 triệu m2 cho hộ nghèo đô thị.
“Tuy cố gắng nhiều nhưng so với yêu cầu thì còn thấp vì yêu cầu là 10 triệu m2 theo chiến lược nhà ở quốc gia”, ông Phạm Hồng Hà thừa nhận.
Về giải pháp, ông cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhiệm vụ giải quyết nhà ở cho công nhân. Làm tốt cái này thì có sự chuyển biến mới.
Giải pháp đột phá là bố trí đủ vốn theo quy định của luật để hỗ trợ người vay mua nhà, trong đó có công nhân. Kế hoạch đầu tư trung hạn mới bố trí chưa đầy 1.200 tỷ, trong khi đó nhu cầu thực tế là khoảng 9.000 tỷ đồng. Các đối tượng như công nhân mong muốn có khoản này hỗ trợ để nâng cao khả năng thanh toán thuê mua nhà. Chính phủ cũng đã dự kiến bố trí 2.000-3.000 tỷ vốn dự phòng hàng năm, nay đề nghị Quốc hội quan tâm bố trí vốn...