Trong phiên điều trần kéo dài 2 giờ rưỡi trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 13-6, Bộ trưởng Tư pháp Sessions, thành viên cao cấp chính quyền Trump và từng là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Trump, đã từ chối trả lời câu hỏi ông có trao đổi với Trump về việc Giám đốc FBI James Comey điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ trước khi Tổng thống sa thải Comey vào ngày 9-5.
Ông cũng đã từ chối trả lời câu hỏi có quan chức Bộ Tư pháp nào đã thảo luận về khả năng Tổng thống ân xá các cá nhân liên quan trong cuộc điều tra Nga.
Với câu hỏi các cơ sở pháp lý nào cho việc từ chối trả lời, Sessions nói Trump đã không viện đặc quyền hành pháp liên quan các cuộc trao đổi.
Tại phiên điều trần, Sessions cho biết: "Tôi chưa bao giờ gặp hoặc có bất kỳ cuộc trao đổi nào với người Nga hay quan chức nước ngoài nào liên quan đến việc can thiệp đến bất cứ chiến dịch hoặc bầu cử ở Mỹ. Tôi cũng không biết bất kỳ cuộc trao đổi như vậy của bất cứ ai liên quan chiến dịch tranh cử của Trump".
Trong phát biểu mở đầu, Sessions nói ông biết là không có các cuộc trao đổi giữa các cá nhân trong chiến dịch tranh cử của Trump với các quan chức Nga về việc can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng khi được hỏi, Sessions thừa nhận các cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của Trump "chưa hề là một nhóm thống nhất" và có các thành viên nhóm ông chưa bao giờ gặp.
Trước phiên điều trần của Sessions, sự chú ý ở Washington xoay quanh việc Tổng thống Trump có thể tìm cách sa thải Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI được Bộ Tư pháp đề cử vào tháng trước làm công tố viên đặc biệt điều tra liên bang về vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người có trách nhiệm tiến hành các vụ sa thải, nói với một ủy ban khác của Quốc hội rằng ông sẽ không sa thải Mueller mà không có lý do chính đáng và ông đã không thấy lý do đó.
Sessions, cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa và là người ủng hộ từ đầu chiến dịch tranh cử của Trump, đã ra điều trần chỉ 5 ngày sau khi cựu Giám đốc FBI Comey điều trần rằng Tổng thống Trump đã sa thải ông nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI về vấn đề Nga. Bộ trưởng Tư pháp Sessions đã viết một bức thư cho Trump đề nghị sa thải Comey.
Tổng thống Trump đã bị chỉ trích tìm cách can thiệp một cuộc điều tra hình sự khi bất ngờ sa thải Comey.
Hồi tháng 3, Sessions thừa nhận đã 2 lần gặp Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak trong năm ngoái, mà Sessions nói là một phần trong công việc của ông với tư cách thượng nghị sĩ Mỹ, không phải một đại diện chiến dịch tranh cử của Trump. Trong tháng 3, Sessions đã tự rút khỏi cuộc điều tra Nga sau khi có thông tin về 2 cuộc gặp Kislyak của ông.
Trả lời câu hỏi về việc truyền thông đưa tin rằng Sessions đã gặp Kislyak lần thứ 3 tại một khách sạn ở Washington trong năm ngoái, Sessions nói không nhớ cuộc gặp hoặc cuộc trao đổi với Đại sứ Nga tại sự kiện đó. Sessions nói ông đã cố "nặn óc" và thấy trong vai trò cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump, ông đã không có cuộc gặp bất kỳ người Nga.
Sessions nói ông đã tự rút khỏi cuộc điều tra Nga không phải vì thấy mình là đối tượng tự điều tra mà đúng hơn là vì ông thấy phải tuân thủ các quy định của Bộ Tư pháp.