Chúng tôi được phân công chủ trì soạn thảo 2 dự luật này và đã làm việc hết sức thận trọng. Đây cũng là vấn đề thực sự rất khó, không chỉ với chúng ta mà với thế giới. Với Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, có những vấn đề hôm nay là bí mật quốc gia, nhưng ngày mai không phải vì nó đã được xử lý rồi. Quan trọng là ranh giới thế nào để mọi người dân hiểu được quy định đó, vận dụng thế nào để đưa vào thực tiễn. Chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, nhất là của các nhà làm luật để tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục tham khảo kinh nghiệm thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Về Luật An ninh mạng, chúng tôi xác định an ninh mạng ở đây khác với bí mật Nhà nước, chúng ta phải đảm bảo kể cả bí mật đời tư của người dân, hoạt động của từng cá nhân tham gia vào không gian mạng đều phải được đảm bảo an ninh, an toàn, chứ không phải chỉ là vấn đề an ninh chung của quốc gia. Tất nhiên là không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin mạng, Internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới.
Luật này ra đời để huy động được toàn bộ xã hội hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được thế nào là nguy cơ và hiểu được trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo an ninh mạng. Dòng chảy của thông tin mạng giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu đó, hệ tuần hoàn càng lưu thông được, càng phát triển tốt thì cơ thể chúng ta càng khỏe mạnh. Nhưng vấn đề ở đây là làm sao để hệ tuần hoàn đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ.
Đây mới là thảo luận để “vỡ” vấn đề, rất mong sự đóng góp tham gia ý kiến của ĐBQH tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo, kỳ họp tới để trình ra Quốc hội để cho ý kiến và thông qua để đi được vào đời sống xã hội, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân cũng như sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.