Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Cần điều chỉnh một số điểm trong các giải pháp hỗ trợ thuế

Trao đổi với phóng viên báo SGGP ngay sau phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp và cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đưa ra nhận định như vậy. Ông Vương Đình Huệ nói:
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Cần điều chỉnh một số điểm trong các giải pháp hỗ trợ thuế

(SGGPO).- Trao đổi với phóng viên báo SGGP ngay sau phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp và cá nhân, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đưa ra nhận định như vậy. Ông Vương Đình Huệ nói:

Đúng như Báo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, về nguyên tắc thì chính sách thuế không nên lồng ghép quá nhiều chính sách xã hội để đảm bảo tính trung lập, minh bạch của thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải hạn chế chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách, kiềm chế lạm phát thì giải pháp tài khóa cũng thường được áp dụng song song với chính sách tiền tệ, việc này không có gì mâu thuẫn. Vì thế, cơ bản Báo cáo thẩm tra cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đang trả lời phỏng vấn của báo chí tại hội trường Quốc hội trưa nay, 5-8. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đang trả lời phỏng vấn của báo chí tại hội trường Quốc hội trưa nay, 5-8. Ảnh: Minh Điền

Vấn đề chỉ là một số chính sách cụ thể và kỹ thuật thực hiện.

Về miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần thiết, có đại biểu nói, vậy thì doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bị thua lỗ thì không được hưởng gì cả hay sao (?). Đúng thế, vì làm ăn có lãi thì mới phải đóng thuế thu nhập, và có đóng thuế thì mới được miễn giảm; nhưng xét trong cả chuỗi giá trị thì khi các doanh nghiệp bạn hàng làm ăn có lãi, giữ được hoặc giảm được giá hàng hóa, dịch vụ thì doanh nghiệp liên quan cũng được lợi gián tiếp, nôm na là nước lên thì thuyền lên.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm nay thua lỗ, nếu năm tới mà có lãi thì được lấy lãi năm sau bù vào lỗ năm nay, cũng không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Cũng nên mở rộng đối tượng với nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhưng tôi tán thành là phải xác định ngành nghề cụ thể để dễ thực thi, tránh bị lạm dụng.

Tôi cũng nhận thấy ý kiến đại biểu Quốc hội yêu cầu xác định rõ khái niệm thế nào là doanh nghiệp nhỏ và vừa là xác đáng. Hiện chúng ta quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại doanh nghiệp “sử dụng ít hơn 300 lao động hoặc quy mô vốn không quá 10 tỷ đồng”. Khái niệm này nên là “sử dụng ít hơn 300 lao động và quy mô vốn không quá 10 tỷ đồng, bởi trong một số lĩnh vực đặc thù thì có những doanh nghiệp rất ít lao động nhưng vốn rất lớn và họ không khó khăn. Nhất là loại hình kinh doanh xổ số.

Với đối tượng kinh doanh nhà trọ, phục vụ cơm trưa cho công nhân, sinh viên học sinh... chính sách giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân hướng đến 2 mục tiêu: vừa hỗ trợ trực tiếp cho các hộ này (cũng là những hộ có thu nhập không cao) khi chi phí đẩy tăng lên; vừa gián tiếp hỗ trợ cho người thụ hưởng các dịch vụ này.

Đúng như có đại biểu nhận xét, yêu cầu giữ giá 2010 không khả thi. Tôi cho rằng Chính phủ và Bộ Tài chính có thể điều hành theo hướng yêu cầu họ từ đầu Quý III tới cam kết không tăng giá (trừ khi CPI tăng đột xuất). Tất nhiên chính quyền cơ sở cũng như các đối tượng thụ hưởng cần tăng cường giám sát, nhưng kinh nghiệm TPHCM cho thấy đây là việc có thể làm được. Nếu có vi phạm thì ta xử lý theo Luật Quản lý thuế.

Với thị trường chứng khoán, tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là một kênh huy động vốn, mà lãi suất tín dụng thì đang cao, nếu thị trường này phát triển thì chính là lời giải cho bài toán vốn cho doanh nghiệp. Mà thị trường đang rất khó khăn, trong khi năm 2012, 2013 là thời điểm nhiều quỹ đầu tư thoái vốn theo chu kỳ đầu tư của họ. Các giải pháp thuế mà Chính phủ đề nghị (trong 1 thời gian xác định) có ý nghĩa động viên, kéo nhà đầu tư trở lại.

Tương tự, việc miễn thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng trong bậc 1 của biểu thuế này cũng có ý nghĩa chia sẻ, động viên (nếu có được miễn thì cũng khoảng 100.000đ/người/tháng thôi); kích thích tiêu dùng cá nhân, nâng cao chu chuyển hàng hóa... Đây cũng là đối tượng thu nhập không cao, trong khi các đối tượng làm công ăn lương hay đối tượng chính sách thì đã được trợ cấp trực tiếp khoảng 100 – 250.000 đ/người/tháng.

Tóm lại, nếu nhìn nhận toàn diện thì đây là gói giải pháp thuế quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa không nhỏ, có tác dụng nhiều mặt. Tất nhiên, cần một số điều chỉnh như tôi đã nói.

Về giải pháp căn cơ là giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tôi có thể nói thêm là hiện nay đã có một số tín hiệu cho thấy khả năng giảm dần được lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm, lãi suất trái phiếu cũng đã rẻ hơn. Cộng với việc xem lại chi phí hợp lý của ngành ngân hàng, tôi cho rằng lãi suất thời gian tới có thể giảm. Ít nhiều thì như vậy các doanh nghiệp cũng sẽ đỡ “khát” vốn hơn”.

ANH PHƯƠNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục