Ngày 6-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị ở đầu cầu Hà Nội.
Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ
Về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đội ngũ ngành giáo dục. Hệ thống cơ sở dữ liệu đã giúp công tác quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên hiệu quả hơn; giúp cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp chủ động hoạch định các chính sách cho đội ngũ cũng như công tác chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT thừa nhận, một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định; một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hàng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Việc nhà giáo được điều động về các cơ quan quản lý giáo dục không được tiếp tục hưởng phụ cấp ưu đãi khiến việc điều động gặp khó khăn. Chính sách tiền lương đối với đội ngũ, đặc biệt đối với giáo viên mầm non hiện tại không còn phù hợp.
Việc chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD-ĐT tích cực triển khai. Theo kế hoạch, đến nay bản mẫu SGK lớp 1 của các nhà xuất bản tham gia biên soạn đã được gửi về của Bộ GD-ĐT để thẩm định. GD-ĐT đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và đang tổ chức thẩm định.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã được tổ chức an toàn, khách quan. Kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%. Kết quả tốt nghiệp có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền, phản ánh trung thực chất lượng dạy học của các địa phương. Các tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có truyền thống hiếu học thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao; các tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho hay tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra; một số địa phương công tác chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn chậm tiến độ.
Tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề còn ít, số học sinh tham gia ngay vào thị trường lao động chưa qua đào tạo còn cao. Tình trạng bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, trong đó có vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc và lo lắng trong xã hội.
Tỷ lệ phòng học kiên cố thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 74,8%
Về nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh, ban hành chương trình môn tiếng Anh lớp 1-2, môn tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 3-12) và các chương trình môn tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đến nay, cả nước có 43/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh; 63/63 địa phương triển khai các chương trình ngoại ngữ mới. Các cơ sở đại học tiếp tục hoàn thiện, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo, đặc biệt là đối với tiếng Anh...
Nhưng theo Bộ GD-ĐT, một số giải pháp dạy và học ngoại ngữ chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện đặc thù của các vùng miền, địa phương và cơ sở GD-ĐT; việc nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả các địa phương còn khó khăn..
Về tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục, năm học vừa qua, các địa phương đã đầu tư xây dựng bổ sung 14.308 phòng học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu. Ở một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 74,8%. Việc phát triển hệ thống trường, lớp ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều kết quả tích cực như đã có 6 cơ sở giáo dục ĐH và 128 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH được vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM; 7 ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ ĐH trở lên có xu hướng giảm, chiếm 2,57% (135.800 người) ở quý 4-2018 so với 4,12%, 215.300 người ở quý 4-2017.
Dù vậy, Bộ GD-ĐT thừa nhận, kỹ năng và năng lực ngoại ngữ sinh viên Việt Nam còn thấp, dẫn tới khó khăn trong tuyển sinh và hoạt động đào tạo sử dụng bằng ngôn ngữ nước ngoài. Công tác dự báo chưa được thực hiện bài bản trên quy mô rộng nên đào tạo còn vênh ở mức độ nhất định so với nhu cầu thị trường lao động, chưa đáp ứng tốt sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo trên thị trường lao động.
Quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.
Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, nhà giáo và người học hiểu biết pháp luật và các quy định của ngành còn hạn chế. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao.
Một số cơ sở giáo dục thiếu dân chủ, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường. Một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh. Hoạt động Đoàn, Đội chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Còn tồn tại nhiều nội dung, thông tin “xấu”, “độc”... trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông, tác động tiêu cực đến nhận thức, đạo đức, hoàn thiện nhân cách, hành vi, lối sống của học sinh, sinh viên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học mới 2019 – 2020, toàn ngành tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc. |
Ngành sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục ĐH. Thứ hai, giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Thứ 5, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Trong đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường lớp. Thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế trong ngành giáo dục. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo…
Một trong những bài học mà Bộ GD-ĐT chỉ ra, đó là phải xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tuỵ với nghề, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo. Đặc biệt, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. |