Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Lãng phí là có thật

Trả lời đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh về lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ đã có báo cáo tổng thể về nội dung này gửi các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ công nhận: "Với thực trạng SGK như vừa qua, việc lãng phí là có thật”.


Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thiết kế SGK hiện hành, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có nhiều dạng bài tập để học sinh viết, vẽ vào đó, nhưng trong điều kiện Việt Nam là một nước nghèo, thì việc này có gây lãng phí.

Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các thầy giáo, học sinh không viết vào một số loại sách mà ghi ra vở nhằm hạn chế sự lãng phí này. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng SGK theo hướng tiết kiệm, nhưng hiệu quả các giải pháp này còn hạn chế.

Ông nhấn mạnh: “Tôi xin nhận trách nhiệm vấn đề này”. Bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng SGK bền lâu, người đứng đầu ngành Giáo dục - Đào tạo cho biết đã khuyến khích các cơ sở giáo dục thành lập thư viện SGK ở các trường, đồng thời yêu cầu thiết kế SGK mới theo hướng hạn chế viết, vẽ lên sách.

Về giải pháp căn cơ để không tái diễn vi phạm tại kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đã chỉ đạo tổ chức rà soát quy trình kỳ thi và đưa ra 3 nhóm giải pháp căn cơ.

Một là, xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá theo hướng phong phú số lượng, nâng cao chất lượng từ đó xây dựng bài thi bám sát đánh giá năng lực học sinh và có phân hoá nhất định để các trường Đại học, Cao đẳng làm căn cứ xét tuyển. Giải pháp này "vừa trước mắt, vừa lâu dài rất quan trọng".

Hai là, cập nhật phần mềm quản lý thi, chấm thi để không có lỗ hổng. "Giải pháp công nghệ chúng tôi đã làm, tính khả thi cao", Bộ trưởng nói.

Ba là, siết chặt quy trình tổ chức thi, nhất là công tác chấm thi minh bạch.

Chúng tôi sẽ có độ chắc chắn trong thực hiện kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, tiến tới kỳ thi giảm áp lực, tạo công bằng cho các thí sinh”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết.

Bộ GD-ĐT muốn áp dụng sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021

Theo trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tiến độ chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, với tinh thần thận trọng và chu đáo, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Ban soạn thảo ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học.

Nhiệm vụ tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội tiếp tục chuẩn bị một bộ SGK, đồng thời tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cùng các địa phương chuẩn bị trường lớp theo tinh thần rất cụ thể, thận trọng và trong thời gian cho phép theo Nghị quyết 51/NQ-QH của Quốc hội.

“Quan điểm của Bộ GD-ĐT, đổi mới lần này liên quan đến nhiều hoạt động, do đó, việc chuẩn bị các khâu phải chu đáo, thận trọng, nằm trong thời gian Quốc hội cho phép. Nếu được, áp dụng từ năm 2020-2021, đúng theo Nghị quyết 51/NQ-QH. Thời gian đó đủ để Bộ GD-ĐT cùng địa phương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất triển khai. Khi thực hiện rồi thì không có thí điểm. Hiện nay, các công việc thực hiện Nghị quyết 51/NQ-QH đang được chúng tôi tích cực triển khai", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11-2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quyết 51/NQ-QH về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình SGK giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được áp dụng chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 với cấp THCS và từ năm học 2022 - 2023 với cấp THPT. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT thể hiện những động thái cho thấy quyết tâm rất cao trong việc sẽ thực hiện đổi mới chương trình SGK mới đối với lớp 1 ngay từ năm học tới 2019 – 2020, sớm 1 năm so với thời hạn mà Quốc hội quyết định. Nay, do chuẩn bị chưa kịp nên Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo Chính phủ để triển khai áp dụng từ năm học 2020-2021.  

Thực tế, Bộ GD-ĐT nhiều lần khẳng định sẽ công bố chương trình môn học trong tháng 10-2018 để làm căn cứ biên soạn SGK, tuy nhiên, hết tháng 10, bộ vẫn chưa công bố.

Vẫn theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một trong những mục tiêu rất quan trọng khi xây dựng chương trình SGK giáo dục phổ thông là phải giảm tải cho giáo viên, học sinh. Cho đến nay, Ban soạn thảo và các chuyên gia xây dựng chương trình đều bám sát mục tiêu này.

Riêng về việc thí điểm tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục quá dài thời gian, Bộ trưởng cho biết, năm 2016, Bộ GD-ĐT đã có khảo sát và vừa rồi đã có đánh giá, tổng kết.

“Đây là một phương pháp trong dạy học tiếng Việt, không phải thực nghiệm nữa. Tới đây, cùng với sách của mô hình trường học mới VNEN, sách tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục phải thẩm định lại theo yêu cầu đầu ra của chương trình mới, lúc đó nếu được thông qua sẽ thành sách được sử dụng theo quy định”, Bộ trưởng cho biết.

Tin cùng chuyên mục