Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục đào tạo là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà. “Có những vấn đề nhận thức được nhưng khắc phục không dễ, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị”, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo trần tình.
Theo ông, mặc dù xã hội thời gian qua có một số bức xúc, song nhìn chung, việc thi cử và xét công nhận phổ thông đã được đổi mới theo hướng giảm áp lực và ít tốn kém cho xã hội; tiến tới trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, lấy đó làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng.
Lộ trình đặt ra là: giai đoạn 2015-2020, kỳ thi phải đánh giá được năng lực của học sinh THPT, làm cơ sở cho xét tuyển đại học và cao đẳng.
Nhận định công tác chuẩn bị đề thi là vô cùng quan trọng, Bộ trưởng nhận định, ngành giáo dục đã rất cố gắng, cải thiện theo từng năm. Khâu bảo mật đề thi bằng công nghệ phần mềm cũng như chấm thi hay thanh tra đều được chú trọng.
Trên thực tế, kỳ thi chung đã giảm áp lực cho xã hội. Tuy nhiên, tính khách quan, trung thực trong thi cử vẫn là vấn đề. “Năm 2018, tính trung thực bị vi phạm nghiêm trọng. Khi xảy ra sự việc, Bộ GD-ĐT cùng các ngành chức năng đã vào cuộc với tinh thần, xử lý kiên quyết. Đến nay đã xử lý được 11 người vi phạm pháp luật và 151 thí sinh vi phạm quy chế. Cá nhân tôi phản đối và kiên quyết chống gian lận trong thi cử”, Bộ trưởng Nhạ quả quyết.
Vẫn theo Bộ trưởng Nhạ, các cơ quan chức năng đã rà soát lại toàn bộ quy trình chấm thi và thấy rằng, một số khâu cần phải khắc phục. Riêng khâu công nghệ dẫn đến sơ hở thì ngành giáo dục đúng là chưa lường được hết. Bộ GD-ĐT đã họp với tất cả các tỉnh, thành và Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan.
Trong năm tới, Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp tục ổn định kỳ thi. Đề thi bám sát kiến thức phổ thông, trong đó phân hóa mức độ cần thiết để làm cơ sở tuyển sinh đại học và cao đẳng. Nếu để các trường yếu mà tự chủ tuyển sinh thì chất lượng đầu vào ồ ạt, không đảm bảo.
Giải thích về bộ sách giáo khoa chỉ sử dụng được 1 lần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Khi học các cháu vẽ vào sẽ luyện phương pháp tốt hơn, tuy nhiên, khi ban hành chương trình mới, chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục hạn chế mức độ tô, vẽ, tránh lạm dụng điều này. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết với các đại biểu Quốc hội về sách giáo khoa". |
"Ở đây mỗi phương án có điểm thuận và không thuận. Nhưng đợt đổi mới lần này, chúng ta có cách tiếp cận rất căn bản, trước kia đổi mới từ sách giáo khoa, dựa vào sách giáo khoa, còn bây giờ thiết kế theo Nghị quyết 88 là dựa vào chương trình, chương trình tổng thể, theo từng môn học. Từ chương trình ấy mới viết sách giáo khoa. Như vậy sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng để thể hiện phương án, mục tiêu, chương trình, phương pháp. Bên cạnh đó, một số tài liệu khác theo tiêu chuẩn quốc tế và nước nào cũng làm như vậy" - Bộ trưởng nói. |