Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Ưu tiên toàn diện đổi mới tổ chức bộ máy, biên chế

Năm 2023, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành nội vụ đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt “3 đột phá, 4 trọng tâm”, để hiểu hơn về công việc mà ngành nội vụ thực hiện, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về những điều đã làm được và những trăn trở, dự định trong năm mới.

* Phóng viên: Năm 2023, Bộ Nội vụ có nhiều việc làm thể hiện quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Bộ trưởng có thể chia sẻ những điều tâm đắc?

* Bộ trưởng PHẠM THỊ THANH TRÀ: Năm 2023, Bộ và toàn ngành nội vụ đã có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tạo được nhiều thay đổi quan trọng, được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân ghi nhận.

Trong đó, có thể kể đến việc tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; chúng tôi đã chủ động đổi mới mạnh mẽ hoạt động công vụ, công chức; chú trọng phân cấp, phân quyền; tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cùng với đó là đổi mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tạo cơ sở chuẩn bị liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện trở lên.

bt-tra-9214.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, năm 2024, ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ, trọng tâm vào đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế. Ảnh: QUANG PHÚC

Năm 2023, bộ đã đề xuất điều chỉnh lương cơ sở tăng lên 20,8%, góp phần cải thiện thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tích cực tham mưu triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới; đồng thời, tập trung cao độ để hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và triển khai đồng bộ các biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022...

Đặc biệt, năm 2023 công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ đạt kết quả nổi bật theo hướng thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự liên thông giữa quy định của Đảng với yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm thúc đẩy đổi mới, phát triển. Điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đó là bộ đã chủ động tích cực tham mưu thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

* Như Bộ trưởng đã nói, năm 2023 là một năm đổi mới mạnh về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; những đổi mới này cần được nhìn nhận như thế nào?

* Năm 2023, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả với mục tiêu đến hết năm 2024 giảm 140 đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ gần 63%. Theo đó, chúng tôi cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở các địa phương đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong cả nước, đồng thời tiếp tục rà soát sắp xếp, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều bộ, ngành, địa phương đặt quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện hiệu quả việc sắp xếp và trở thành điểm sáng trong cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3-6-2023 quy định về tinh giản biên chế. Đây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng lộ trình thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đồng thời, Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã. Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành đầy đủ thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

*Thưa Bộ trưởng, vậy trong công tác quản lý công vụ trong cả nước thời gian qua đã được tổ chức và thực hiện ra sao?

* Năm 2023, Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đổi mới công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức để giảm bớt thủ tục hành chính, thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng lao động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trẻ, lãnh đạo nữ cho chính quyền địa phương tại nước ngoài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược trong tình hình mới.

Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là cơ sở quan trọng để khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm khiến công việc nhiều nơi bị trì trệ, gây ách tắc; qua đó tạo thêm động lực để cán bộ, công chức tự tin, bản lĩnh hơn khi đương đầu với khó khăn, thử thách trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Với sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các địa phương đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực; công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng quy định, phù hợp nhu cầu và theo vị trí việc làm.

* Năm 2024, Bộ Nội vụ có phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả”, làm thế nào để thực hiện phương châm này, thưa Bộ trưởng?

* Năm 2024, chúng tôi xác định với phương châm trên để nhằm tạo sự thay đổi và chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của ngành nội vụ. Trong đó, ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ, trọng tâm vào đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước trong tình hình mới.

Cùng với đó, toàn ngành xác định đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; hoàn thiện tiêu chuẩn, chức danh công chức và tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý các cấp; triển khai các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh nhằm xây dựng chung một chế độ công vụ.

Cũng trong năm 2024, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ bộ, ngành Trung ương đến địa phương; tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024. Quyết liệt phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương nhằm khơi thông điểm nghẽn, phát huy sự năng động, sáng tạo, tự chủ của các địa phương; đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương; giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp…

Tôi tin tưởng năm 2024 với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, toàn ngành nội vụ sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp chung vào thành tựu phát triển toàn diện của đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin cùng chuyên mục