"Giờ chuyển sang tự chủ thì có rất nhiều chương trình đào tạo phải tính đủ chi phí dịch vụ theo Luật Giá. Tính đúng, tính đủ làm sao đảm bảo chất lượng, phù hợp chi phí, hay nói cách khác chi phí tương xứng chất lượng. Tính toàn bộ để hạch toán theo tự chủ và đó là giá dịch vụ đào tạo”, Bộ trưởng cho biết.
* PHÓNG VIÊN: Nhưng vừa qua việc đổi tên các "trạm thu phí" thành "trạm thu giá" đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị đổi tên "trạm thu giá", còn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng không nhất trí với việc đổi thuật ngữ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo", thưa ông?
- Bộ trưởng PHÙNG XUÂN NHẠ: Việc này không phải việc đổi tên, quy định gọi là "giá dịch vụ đào tạo" là căn cứ theo Luật Giá và nội hàm của quy định, còn tên gọi là chuyện khác.
* Có thể hiểu là Bộ vẫn nhất quyết giữ giá cách gọi "dịch vụ đào tạo" thay vì gọi là "học phí" cho thuận và không ngại phản ứng từ dư luận, nếu có?
- Tôi xin nhắc lại, tên gọi "học phí" là do mọi người quen tai, cách gọi truyền thống và mang nội hàm khác với "giá dịch vụ đào tạo". "Học phí" không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo, trong thực tế nếu chỉ dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo.
Từ nội hàm khác nhau giữa "giá dịch vụ đào tạo" và "học phí" nên tên gọi phải khác nhau; cần cân nhắc tên gọi cho thuận tai và phản ánh đúng bản chất.
Dự thảo luật vẫn đang trong giai đoạn Quốc hội họp bàn cho ý kiến. Đề xuất trong dự luật, bao gồm cả thay đổi thuật ngữ, vẫn đang bàn. Nhưng trước hết phải theo pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Giá. Nhưng việc vận dụng thuật ngữ sao cho phù hợp với thực tiễn và phù hợp với đặc điểm của ngành, chúng tôi đang lắng nghe đại biểu Quốc hội cho ý kiến.