Theo các báo cáo tại buổi làm việc, do ảnh hưởng bão số 9, đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Trên đất liền, các huyện ven biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12, 13. Khu vực trên đất liền có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại các trạm lên đến 300-500mm, có nơi trên 500mm.
Thống kê sau bão số 9, về tình hình tàu thuyền, tất cả các tàu đều an toàn, chưa có thiệt hại, 485 lồng, bè nuôi trồng thủy sản đã được đưa vào khu neo trú an toàn.
Công tác sơ tán dân tại các xã ven biển đã được thực hiện, đến 22 giờ ngày 27-10 đã sơ tán 24.819 hộ, 97.010 nhân khẩu. Ngoài ra, còn một số người được sơ tán xen ghép vào các nhà kiên cố lân cận.
Thiệt hại ban đầu bão số 9, có 13 người bị thương, 165 nhà bị sập đổ, 84.499 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Về giáo dục có 151 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.
Có 34 cơ sở y tế thuộc địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố bị tốc mái.
Phía Điện lực Quảng Ngãi đã tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng. Dự kiến trong ngày 29-10, công tác khắc phục sẽ hoàn thành.
Trạm phát sóng thông tin di động trụ Vinaphone tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị ngã đổ.
Về nông nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại là 477ha, hơn 6.000 cây xanh đô thị bị ngã đổ.
Về thủy sản, ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm, cá nuôi trong 48 lồng bè bị chết (Lý Sơn).
Hơn 200 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng, về các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê kè…các địa phương, đơn vị đang tổ chức kiểm tra và sẽ có số liệu tổng hợp báo cáo thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, rất may tỉnh Quảng Ngãi không có thương vong về người, tuy nhiên tỉnh Quảng Ngãi nằm trong tâm bão, nên thiệt hại kinh tế rất lớn trong cả 6 tỉnh bị ảnh hưởng do bão số 9.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến các thiệt hại về nhà ở, trường học, cơ sở y tế, công trình giao thông, công trình nhà nước bị hư hỏng.
Quảng Ngãi có bị thiệt hại hàng nghìn nhà ở, trường học bị tốc mái hư hỏng, các công trình ha tầng, giao thông các công trình nhà nước bị hư hỏng. Do đó việc phục hồi sau bão số 9 là rất lớn.
Bộ trưởng yêu cầu BCH PCTT-TKCN Quảng Ngãi, các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương huyện, thành phố, xã cần nhanh chóng triển khai lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà sụp đổ, hư hỏng. Hai là nhanh chóng khôi phục hạ tầng, các công trình giao thông. Đối với điện lưới điện, ngành Điện lực dự kiến trong 2-3 ngày nữa toàn tuyến điện được khôi phục.
Sau bão số 9, Bộ trưởng nhắc nhở tuyệt đối không để người dân nào thiếu nước sạch, thiếu đói.
Về lưu vực sông, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý tỉnh Quảng Ngãi là sông Vệ và 3 hệ thống lưu vực sông khác ở tỉnh đang lên báo động số 3, tuyệt đối không để người dân nào ở lại ven sông khu vực này, đề phòng nguy cơ sạt lở.
Về tuyến biển, Bộ trưởng lưu ý, sau 1 tháng, lũ chồng lũ, bão chồng bão, ngư dân rất muốn ra khơi trở lại cuộc sống, tuy nhiên, người dân tuyệt đối cẩn thận không để hoàn lưu bão ảnh hưởng nguy cơ an toàn ngư dân, người dân.
Bộ trưởng yêu cầu các lực lượng quân sự, biên phòng đang trú chân trên địa bàn cùng người dân thực hiện khắc phục hậu quả bão số 9 sớm nhất.
Quảng Ngãi: Đưa các công nhân làm tại đập dâng sông Trà Khúc vào bờ Sáng 29-10, lực lượng quân sự, dân quân, biên phòng điều ca nô đưa các công nhân đang làm tại đập dâng sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi) vào bờ an toàn. Thông tin ban đầu, các công nhân đang làm việc trên công trình đập dâng sông Trà Khúc đã bị cô lập khi bão số 9 đổ bộ. Nước sông dâng cao nên các công nhân đã không thể vào bờ. Đến sáng 29-10, lực lượng quân sự, dân quân, biên phòng đã túc trực, điều ca nô để đưa các công nhân vào bờ an toàn. Điều ca nô đưa các công nhân vào bờ vào sáng 29-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG Công nhân Nguyễn Trọng Tâm (tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Đến 18 giờ đêm hôm qua (ngày 28-10), nước sông Trà Khúc bắt đầu lớn, chúng tôi phải dời qua đồi cao hơn. Đến đêm khuya thì nước đứng lại, một số người về thu dọn đồ đạc. Sáng nay, chúng tôi được cứu hộ về lại bờ”. Nhóm công nhân của ông Tâm có khoảng 20 người. Rất may, nhóm công nhân đều an toàn. Hiện công tác cứu hộ đang tiếp tục. Công nhân trở về bờ an toàn. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác khắc phục sau bão số 9Ngày 29-10, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến kiểm tra công tác khắc phục bão số 9 tại Công an tỉnh Quảng Ngãi. Tại buổi làm việc, Đại tá Phan Công Bình, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo về tình hình ứng phó bão số 9. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp các lực lượng biên phòng, các ngành chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai phương án sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Sau khi bão tan, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã cử lực lượng tham gia các đoàn công tác tại từng địa phương để cứu trợ khẩn cấp khu vực bị thiệt hại, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn làm việc với Công an tỉnh Quảng Ngãi về công tác khắc phục sau bão số 9 Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nói, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh miền Trung, trong đó đặc biệt là từ Đà Nẵng đến Bình Định. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, đáng mừng là tỉnh không có người tử vong, không có tàu thuyền bị chìm do bão số 9. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã có sự chủ động vào cuộc trong công tác phối hợp triển khai ứng phó bão, do đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 9 gây ra. Đối với công tác khắc phục hậu quả bão số 9, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn đề nghị Công an tỉnh Quảng Ngãi cần tận dụng tối đa những ngày này để khắc phục hậu quả bão số 9. Phối hợp lực lượng chức năng kiểm soát thị trường sau bão, tránh trục lợi thiên tai, chú trọng đề phòng dịch bệnh sau bão... Dịp này, thông qua lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cũng đã gửi quà và lời thăm hỏi, động viên đến đồng chí công an chính quy xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà bị thương trong lúc giúp người dân chằng chống trước khi bão vào. |