Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo nhanh về tình hình ứng phó với bão số 6 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi có tin bão số 6, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi… đã liên hệ với các tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển. Đến giờ này, tại khu vực quần đảo Trường Sa đang neo trú 96 tàu/2.290 lao động và đang tiếp tục giữ liên lạc. Có 4 tàu/178 lao động đã cập bến Philippines, và hiện có 7 tàu/125 lao động đang ở vùng biển Philippines. Các tàu cá ở vùng biển phía Nam đã vào nơi neo đậu và lực lượng chức năng ở tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục giữ liên lạc với các tàu này.
Về tình hình tàu, thuyền neo đậu tại các cảng biển, cụ thể, cảng Lý Sơn có 302 tàu neo trú (công suất tàu của cảng là 500 tàu), cảng Tịnh Hòa có 360 tàu neo trú (công suất cảng là 350 tàu, đang quá sức chứa), cảng Mỹ Á là 139 tàu neo trú, Sa Huỳnh 309 tàu và Tịnh Kỳ 36 tàu.
Có 38 lồng bè nuôi cá trên đảo Lý Sơn đã thực hiện kéo bè vào bờ. Lực lượng chức năng yêu cầu các ngư dân nuôi cá lồng bè lên bờ, không ở lại bè, các ngư dân trên tàu không được ở lại tàu cá neo đậu ở các bến cảng.
Các vùng trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 6 xác định là huyện Lý Sơn và các huyện phía Nam của tỉnh và các xã ven biển. Ông Bính cho biết: “Tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy tiền phương tại đảo Lý Sơn và huyện Đức Phổ, do 2 đồng chí Phó Tham mưu và Trưởng tham mưu của Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phụ trách, với sự phối hợp hỗ trợ của Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, địa phương và Hải quân Vùng 3”.
Về di dời dân, các khu vực huyện Lý Sơn có số hộ phải di dời, sơ tán là 287 hộ/1.105 khẩu; huyện Đức Phổ phải di dời, sơ tán 1.157 hộ/ 4.002 khẩu; huyện Mộ Đức phải di dời, sơ tán 1.548 hộ/6.081 khẩu; thành phố Quảng Ngãi phải di dời, sơ tán 622 hộ/2.445 khẩu.
Vùng trọng điểm được xác định là các huyện thuộc lưu vực các sông Trà Câu, Sông Vệ, Sông Thoa, Phước Giang…, các khu vực ở vùng thường xuyên bị ngập trong lũ tại các địa phương ven sông. Nghiêm cấm các đò ngang, đò dọc, thuyền bè hoạt động trên sông, suối, không cho người dân vớt củi trên sông trong thời gian ảnh hưởng bão và mưa, lũ.
Ông Bính nói: “Mấy năm nay, có các dự án xây dựng nhà ở kiên cố, nhà phòng chống lũ… nên có phương án là xen ghép người dân vào các nhà kiên cố, chống lũ ngay tại từng địa phương và di dời đến các địa điểm trụ sở ủy ban, trường học, nhà cộng đồng. Riêng ở các khu vực miền núi đã bố trí 50% cán bộ phải ở lại trực địa bàn”. Tại đảo Lý Sơn đã tăng cường thêm y, bác sĩ để phục vụ sơ cứu, cấp cứu tại chỗ.
Ông Trần Xi Noa, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Các địa phương, bộ đội quân sự các huyện, xã đã trang bị 1 ca nô và 1 xe ô tô để hỗ trợ cứu nạn, di dời dân trong bão số 6”.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nói: “Phải cảnh báo trước cho người dân là cơn bão này rất lớn và chưa có cơn bão nào đạt cường độ như thế này”.
Theo Bộ trưởng, Quảng Ngãi cần tăng cường chuẩn bị các phương án, kịch bản bão số 6 có thể ập vào ban đêm và xảy ra cúp điện, cần phải giữ an ninh, an toàn khu vực, mở rộng phạm vi rà soát. Quảng Ngãi là tâm điểm của bão đổ bộ. Các lòng hồ, sông suối cần phải kiểm tra lại, các hồ càng nhỏ lại càng nguy hiểm vì sức chứa kém. Các vùng gần sông suối phải có lực lượng canh trực thường xuyên.
Riêng với ngư dân đang nuôi 38 lồng bè cá trên đảo Lý Sơn, Bộ trưởng đề nghị đến trưa 10-11, phải đưa tất cả ngư dân lên bờ, đảm bảo an toàn. Toàn bộ tuyến đảo Lý Sơn cần được kiểm tra lại, phân công cụ thể, chịu trách nhiệm và di dời dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Với tốc độ di chuyển của bão số 6 như hiện nay là rất lớn, đang cấp 12, nếu không thay đổi tốc độ và cứ di chuyển như vậy thì rất nguy hiểm. Do vậy, cần phải có mọi phương án để đảm bảo tính mạng người dân”.