Có 58 dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng mức đầu tư là 166.154 tỷ đồng. Các dự án cơ bản đảm bảo chất lượng, khai thác an toàn, doanh thu tài chính cơ bản phù hợp với số liệu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. Còn lại 12 dự án đang được triển khai với tổng mức đầu tư là 43.193 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều tồn tại, bất cập của các dự án BOT cũng đã được thừa nhận trong Báo cáo. Mặc dù việc nâng cấp, cải tạo công trình hiện hữu là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, phù hợp với quy định pháp luật, giải quyết được khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước, song quá trình đầu tư các dự án này hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng.
Đáng lưu ý, hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định thầu cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, song việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh. Việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ... dẫn đến trong dư luận nghi ngờ về tính minh bạch.
Theo Bộ trưởng bộ GT-VT, chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập, còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Thông tư của Bộ Tài chính quy định khoảng cách giữa các trạm trên cùng tuyến đường có thể dưới 70 km nếu được Bộ Tài chính, địa phương thống nhất, nhưng dư luận cho rằng khoảng cách dưới 70 km là vi phạm pháp luật. Giá dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đảm bảo công bằng cho các phương tiện khu vực xung quanh trạm và một số phương tiện sử dụng các tuyến đường ngang đi qua trạm, sử dụng quãng đường ngắn. Một số trạm trước đây thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước được tận dụng lại để chuyển sang thu hoàn vốn cho các dự án BOT, vị trí nằm ngoài phạm vi dự án gây bức xúc cho người sử dụng...
Đáng lưu ý, công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa nhận được đồng thuận, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong xã hội đối với các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Để quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GT-VT đã xây dựng, ban hành Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT ngày 30-12-2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; tích cực triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng.
Phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm.
Phương án 2 là xây dựng thêm 1 trạm ở trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.
"Trên cơ sở 2 phương án nêu trên, Bộ GT-VT và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng", Bộ trưởng Bộ GT-VT thông tin.
Tổng thể, Bộ GT-VT đã cơ bản rà soát điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 56 dự án BOT đã có giá trị quyết toán.
Về chủ trương đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, Bộ đã đàm phán để dừng 4 dự án BOT đã ký hợp đồng và đang triển khai (3 dự án đường bộ và 1 dự án xây dựng ký túc xá Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM); dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi (8 dự án đường bộ và 2 dự án đường thuỷ nội địa).