Chiều 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Đặt vấn đề về những tiêu cực trong lĩnh vực thể thao được dư luận phản ánh thời gian qua, điển hình như việc vận động viên tố huấn luyện viên “cắt phế” tiền thưởng, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) muốn biết giải pháp của Bộ trưởng VH-DL-TT cho tình trạng này, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong thể thao thành tích cao.
Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, đây là điều nhức nhối của ngành, dù chỉ là 2 sự việc cá biệt (đó là vấn đề tiền ăn của đội tuyển bóng bàn khi tham gia tập huấn tại Trung tâm Thể thao Hà Nội và vấn đề tiền thưởng của đội thể dục dụng cụ).
"Báo cáo thật với Quốc hội, chúng tôi biết việc này hơi chậm, có thể nói là chậm nắm vấn đề và không biết", Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng
“Khi phát hiện, chúng tôi đã kiên quyết xử lý và làm nghiêm theo quy định, với tinh thần không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm”, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định và cho rằng đây cũng là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.
Ông nói thêm, ban đầu, tiền được để lại để thành lập quỹ với mục đích tốt đẹp để góp tiền thăm hỏi nhau khi ốm đau, cho việc cưới hỏi, ma chay. "Vấn đề đó dù theo quy định là trái phép nhưng nếu quản lý chặt chẽ thì không có tiêu cực", tuy nhiên, thực tế, vì có tình trạng lạm dụng nên đã xuất hiện tiêu cực và Bộ VH-TT-DL đã cho rà soát tình trạng này.
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng cho biết đã yêu cầu bổ sung quy định về quản lý đội tuyển, trong đó có nhiều điều khoản từ tập luyện đến công tác quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm. “Lâu nay chỉ kiểm tra chất lượng đào tạo chứ ít kiểm tra về chế độ chính sách”, ông nói.
Cùng với đó là công khai, minh bạch ngay từ đầu, thông báo các vận động viên được bao nhiêu tiền ăn, tiền thưởng để các em biết và quản lý, nghiêm cấm lập quỹ, dù có mục đích tốt đẹp đi nữa.
Đề cập đến chính sách miễn thị thực như một giải pháp quan trọng kích cầu du lịch, ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng: “Nên hay không nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng miễn thị thực (visa)”?
Theo ĐB Nguyễn Thị Hà, chính sách miễn thị thực là một trong các giải pháp phục hồi du lịch và đã được Chính phủ đề xuất, Quốc hội thông qua sau đại dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Hà đề nghị Bộ trưởng đánh giá hiệu quả của giải pháp này trong tăng trưởng du lịch quốc tế.
“Theo Bộ trưởng chính sách miễn thị thực có nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng hay không? Nếu áp dụng diện mở rộng thì sẽ hướng tới khu vực nào để đạt hiệu quả cao nhất?”, ĐB hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều quốc gia khác đã sử dụng chính sách miễn thị thực như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch.
“Việt Nam cũng nhận thức được điều này. Chúng ta đã sửa đổi một số luật và văn bản pháp quy có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch. Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ VH-TT-DL đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn”, ông Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Bày tỏ chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phát biểu tranh luận: “Về miễn thị thực cho khách nước ngoài thì có thể nghiên cứu nước nào đảm bảo đáp ứng các điều kiện mà Việt Nam đưa ra thì có thể áp dụng. Điều này cũng góp phần thu hút khách du lịch đến nước ta. Tại sao cứ nhất định phải là họ miễn cho ta, ta mới miễn cho họ”, ông Thân lập luận.
Cũng liên quan phát triển du lịch, ĐB Nguyễn Văn Thân cho rằng quy định về Quỹ Phát triển du lịch hiện nay (giao cho Bộ VH-TT-DL) gửi vào ngân hàng sẽ dẫn đến lãng phí. “Bởi vì như vậy là lại phải chi phí thêm cho ban quản lý quỹ. Nếu Chính phủ đã tin tưởng giao cho Bộ VH-TT-DL và bộ đã thành lập ban quản lý quỹ thì nên để bộ thực hiện trên tinh thần là không được làm thất thoát tiền ngân sách nhà nước”, ĐB Nguyễn Văn Thân nói thêm.
Về phát triển kinh tế đêm, ĐB Nguyễn Văn Thân khẳng định, đây là vấn đề cần được quan tâm nhằm góp phần vào tăng trưởng GDP. Việc phát triển kinh tế ban đêm nên giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và triển khai, Nhà nước chỉ quản lý an ninh trật tự...