Sáng 12-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Mạng xã hội làm nóng phiên chất vấn
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm chất vấn về vấn đề quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; thông tin xấu độc, sai sự thật cũng xuất phát trên các nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, một số ĐB quan tâm đến câu chuyện nguồn thu quảng cáo của báo chí ngày càng sụt giảm, khoảng 80% nguồn thu từ quảng cáo chảy về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Không chỉ quan tâm những vấn đề trên, thực trạng thu thập thông tin cá nhân cũng được ĐB quan tâm chất vấn.
Cụ thể, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nói, tình trạng quảng cáo trực tuyến thường dựa vào những dữ liệu người dùng, đôi khi vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập vào các trang web.
Theo thống kê cho thấy, số lượng thông tin cá nhân, quyền riêng tư của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2023, gây bức xúc cho xã hội. ĐB Trần Quốc Tuấn chất vấn Bộ trưởng làm rõ các giải pháp để chủ động phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân. Ví dụ cho nhận định này, Bộ trưởng nói bản thân đi thay kính cận cũng được hỏi thông tin cá nhân để xây dựng dữ liệu thông tin khách hàng.
Luật An ninh mạng đã có quy định về trách nhiệm người thu thập thông tin. Trong hai năm qua, Bộ TT-TT coi dữ liệu cá nhân là nội dung trọng điểm và tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra để xử lý, chấn chỉnh nhiều sai sót liên quan đến thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân.
ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) chất vấn, sự phát triển mạng xã hội kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, hệ lụy tiêu cực. Vậy, với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ TT-TT nói rõ những phương án quản lý mạng xã hội hiện nay.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Bộ trưởng thông tin một số giải pháp mới, trong đó phải hoàn thiện thể chế.
Theo Bộ trưởng, trước đây quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật. Thì nay, với quy định mới hơn là đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng mạng xã hội khi có vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bộ trưởng cũng cho rằng, vấn đề này không chỉ là trách nhiệm quản lý của Nhà nước mà còn là trách nhiệm thuộc về các nền tảng xã hội. Những nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc trên các nền tảng của mình.
Hiện nay, Bộ TT-TT đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam, các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này. Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, tin xấu độc, họ có nơi để phản ánh.
Trả lời thêm, Bộ trưởng Bộ TT-TT nhận định không gian mạng không khác gì không gian thực. Trước đây, không gian mạng là vô danh thì mọi người có thể vô trách nhiệm. Nhưng giờ đây đã có quy định các tài khoản đăng ký mới phải định danh, lúc này trách nhiệm của mọi người được nâng lên khi tham gia mạng xã hội.
Sẽ sửa Luật Báo chí, nâng chuẩn phóng viên
Đối với báo chí, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) và ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) quan tâm chất vấn câu chuyện kinh tế báo chí, đạo đức nhà báo trong tác nghiệp... Các ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT nói rõ những giải pháp khắc phục những tồn tại hiện nay trong lĩnh vực này.
Về giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí có dấu hiệu trục lợi trong việc khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong hai năm 2023-2024, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt.
Bộ trưởng cho rằng, người trong nghề rất đau lòng. Nếu so với 21.000 người làm báo có thẻ nhà báo và gần 42.000 người làm báo thì đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Bộ trưởng phân tích, khoảng 80% người bị bắt là từ những tạp chí nhỏ, tạp chí của các hội nghề nghiệp. Cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí của mình.
Bộ TT-TT đã công bố bộ tiêu chí nhận dạng báo hóa tạp chí, đăng công khai để toàn xã hội giám sát. Cùng với đó, công khai tôn chỉ, mục đích của hơn 800 cơ quan báo chí để cả xã hội tra cứu, giám sát, theo dõi.
Bộ trưởng cũng khẳng định, quy định đã có, nếu phóng viên bị bắt thì sẽ xem xét xử lý trực tiếp trách nhiệm Tổng biên tập của cơ quan báo chí đó. Hội Nhà báo cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Về kinh tế báo chí, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, lúc trước các doanh nghiệp chi tiền quảng cáo trên báo chí khá nhiều.
Tuy nhiên, khi mạng xã hội xuất hiện, đã hút khoảng 80% quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí chỉ còn khoảng 20%.
Trong khi đó, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều, đến nay đã lên đến 880 cơ quan báo chí. Do vậy, nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm.
Bộ trưởng nhìn nhận, nếu chạy theo mạng xã hội, báo chí sẽ đứng phía sau. Do đó, cơ quan báo chí phải làm khác mạng xã hội, quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả và tăng nguồn thu.
Trong quy hoạch báo chí có nội dung quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực, từ đó tạo ra cơ chế, điều kiện để các cơ quan báo chí phát triển.
Tới đây, sửa đổi Luật Báo chí sẽ đề xuất cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh trên lĩnh vực truyền thông. Cùng với đó, đề xuất quy định giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho cơ quan báo chí chủ lực. Cùng với đó, khi sửa đổi Luật Báo chí sẽ đề xuất nâng tiêu chuẩn phóng viên.
Người nghèo, cận nghèo sẽ có điện thoại thông minh sử dụng
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) chất vấn giải pháp nào để người dân ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với mạng viễn thông. Trả lời, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phủ sóng viễn thông và Internet có độ vênh giữa thành phố và vùng sâu, vùng xa. Với hộ nghèo ở các vùng sâu, vùng xa càng khó tiếp cận. Do vậy, phải phấn đấu để người dân thuộc diện nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh và sử dụng miễn phí mạng.
Theo Bộ trưởng, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam có một khoản ngân sách với 400.000 chiếc điện thoại. Bộ TT-TT sẽ xin phép Chính phủ điều chỉnh quỹ này tăng lên để những gia đình nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh sử dụng miễn phí (dự kiến khoảng 1-1,2 triệu chiếc điện thoại thông minh). Với chương trình này, Bộ trưởng khẳng định sẽ phủ hết để người nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh sử dụng.