Sáng nay 20-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 44 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo lần này đã có nhiều điểm bổ sung, chỉnh lý. Lĩnh vực đầu tư được thu hẹp từ 6 xuống 5, mức đầu tư tối thiểu có hai phương án là 200 tỷ đồng và 100 tỷ đồng (đối với dự án triển khai ở vùng sâu vùng xa và lĩnh vực y tế, giáo dục...).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau đó đã giải trình thêm một số vấn đề.
Ông Dũng cho biết quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro đã được cụ thể hoá theo hướng chặt chẽ hơn, chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ rủi ro khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Hướng tới mục tiêu thu hút nhà đầu tư, tạo niềm tin và sự an tâm cho họ khi bỏ vốn vào các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần phải có quy định nội dung đặc thù đối với trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về kiểm toán các dự án PPP, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước tại dự thảo gồm: kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Hai, kiểm toán việc sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có). Ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP. Bốn, kiếm toán khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng nên quy định theo hướng cởi mở hơn, chứ “kiểm toán 4 đoạn như thế này thì khá là phức tạp, nhà đầu tư e ngại lắm”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, phải kiểm toán, vì PPP cũng là tài sản công, nhưng sẽ cân nhắc xem kiểm toán ở khâu nào cho phù hợp, “không làm nhà đầu tư phát hoảng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, UBTVQH đề nghị Dự án Luật cần đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là phải tương thích với pháp luật về đầu tư công, ngoài ra cần có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư.
“Các dự án PPP phải nằm trong kế hoạch đầu tư công, chứ không thì phá vỡ hết cân bằng ngân sách. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, và phải có trần tối đa, tránh tình trạng điều chỉnh quy mô lên 2,3 lần, thậm chí đến 10 lần như một số dự án đầu tư công vừa qua, làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói |
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thì lưu ý, trong bối cảnh Quốc hội chuẩn bị xem xét thông qua các Hiệp định EVFTA và EVIPA, việc xây dựng luật này phải hài hoà với các cam kết quốc tế; tránh tình trạng vừa ban hành lại phải sửa đổi…
Theo dự kiến, dự án luật này sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.