Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi luật này. Việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.
Giải trình một số ý kiến của ĐB, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, do yêu cầu phát triển mới, thời gian vừa qua chúng ta đã thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển”.
Do đó, Luật Đầu tư công cũng phải sửa đổi để phù hợp với xu thế mới, yêu cầu mới. Trong đó, sửa đổi luật không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, khơi thông điểm nghẽn và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển đất nước.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát. Đó là chuyển sang phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Nếu chúng ta tiếp tục làm theo tư duy cũ thì sẽ rất chậm.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng thông tin, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát. Đồng thời, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Song song đó, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế "xin cho". Luật Đầu tư công sửa đổi lần này tập trung vào những nội dung, vấn đề cốt lõi những vướng mắc trong thực tiễn đòi hỏi cần phải điều chỉnh ngay.
Giải trình vào một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp. Chính phủ cũng lấy ý kiến 63 tỉnh thành và tất cả nhất trí với việc phân cấp này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng băn khoăn trước các ý kiến về phân cấp cho UBND cùng cấp. Vì vậy, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, nghiên cứu kỹ lưỡng xem có phân cấp cho UBND cùng cấp đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm B, C. Sau đó sẽ có báo cáo Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này.