Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tiến đến xây dựng các thương hiệu nông sản quốc gia

Sáng 21-8, chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam cũng như đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Phiên chất vấn, sáng 21-8. Ảnh QUANG PHÚC.jpg
Phiên chất vấn sáng 21-8. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản là chủ trương nhất quán. Bộ đã thường xuyên tìm kiếm thị trường, chú trọng các giải pháp bảo đảm hàng hóa đạt tiêu chuẩn; quy hoạch lại vùng sản xuất để không còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Trước khi nói về giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, cần làm tốt quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, trong đó có trách nhiệm của các địa phương.

“Yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay. Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa không đạt được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta”, Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn,.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng cho rằng, chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay, chúng ta đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.

Bộ trưởng cho biết thêm, bộ đang nghiên cứu sâu về vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Việt Nam, vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định, cụ thể, chưa có nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu. Bên cạnh đó, vẫn còn sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu.

Bộ trưởng cho rằng, nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn, độ đồng đều đối với một sản phẩm nào đó. Bộ NN-PTNT đang phối hợp Bộ Công thương xây dựng thương hiệu của nông sản. Muốn vậy, phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, không để chuyến này thì hàng tốt, chuyến sau lại không đạt; bảo đảm quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

1.jpg
Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ NN-PTNT đang tham mưu Chính phủ thành lập hội đồng gạo quốc gia, vì đó là vấn đề thương hiệu quốc gia, sau gạo sẽ là các nông sản khác.

Theo Bộ trưởng, quy hoạch đang là vấn đề khó. Hiện nay, cạnh tranh trong nông nghiệp rất khó, vì các quốc gia cũng có những sản phẩm tương đồng. Quy hoạch nông sản chủ lực để làm sao tránh tình trạng chặt - trồng, được mùa thì rớt giá và ngược lại. Chỉ khi nào có những vùng sản xuất tập trung, đạt quy chuẩn thì chúng ta mới tiến dần đến việc xây dựng các thương hiệu quốc gia, ví dụ như cà phê Tây Nguyên, cũng từ đó gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa doanh nghiệp và nông dân, có đầu tư hạ tầng của Nhà nước, hạn chế tính thời vụ.

Trong trả lời chất vấn các ĐB, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Bình Phước đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều; đồng thời cần xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.

Đối với sầu riêng, Bộ trưởng cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu thì phải có hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ký Hiệp định thư thứ 2 về sầu riêng chế biến như cơm sầu riêng, hạt sầu riêng, sầu riêng đông lạnh…

Hiện chúng ta đã mở cửa ngành hàng sầu riêng với thị trường Trung Quốc, do đó cần phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, xây dựng, thiết kế chính sách chung về sầu riêng cho nông dân, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, vì chúng ta hiện đang đi sau thị trường Thái Lan, Malaysia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

- Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội).jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) về giải pháp gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, chiến lược phát triển thủy sản dựa trên 3 trụ cột: giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU chúng ta thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên, dù đã giảm 20.000 chiếc tàu (từ hơn 100.000 chiếc xuống còn 86.000 chiếc) nhưng so với các nước trong khu vực, số lượng tàu của Việt Nam quá nhiều trên vùng biển, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững.

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chứng minh những nỗ lực trong tháo gỡ thẻ vàng IUU. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm.

Bộ trưởng cũng cho biết, trình độ nhân lực nghề cá còn hạn chế, vì vậy thời gian tới, bộ sẽ phối hợp Bộ GD-ĐT có giải pháp tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tin cùng chuyên mục