Thông tin tại hội nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, các vùng trồng đã được cấp mã số cho khoảng 3.000ha, sản lượng ước tính khoảng 68.000 tấn mỗi năm, tuy nhiên theo đăng ký của các doanh nghiệp đến nay sản lượng đã lên đến 1,3 triệu tấn.
Nếu không kiểm soát chặt chẽ và không tuân thủ nghiêm túc quy định của nghị định thư đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm các quy định xuất khẩu và có nguy cơ mất uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sau khi nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, phía Trung Quốc đã phê duyệt công nhận danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói đối với sầu riêng Việt Nam.
Song, hiện mới chỉ có 7% trong tổng số diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam phục vụ xuất khẩu. Với 55 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói mà Trung Quốc chưa chấp thuận, có nhiều nguyên nhân như: hồ sơ chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.
“Yêu cầu Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh hướng dẫn lại từ cơ sở vùng trồng tới cơ sở đóng gói, đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của Trung Quốc để tới đây chúng tôi sẽ liên hệ lại với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để nếu chúng ta đáp ứng được yêu cầu thì sẽ tiếp tục đề nghị cấp mã số”, ông Hoàng Trung nói.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong số các cơ sở được cấp mã số, cũng đang có tình trạng không kiểm soát chặt chẽ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc, việc gian lận mã số cũng có thể xảy ra.
Tại hội nghị, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định nếu không siết chặt quản lý, ngành hàng sầu riêng sẽ đổ vỡ từ những nguyên nhân trong nước. Mặc dù sầu riêng là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, song cũng cần lưu ý những rủi ro, nhất là rủi ro từ nội địa.
“Có người ở Bộ Công thương nhắn tôi, cần kỷ luật, cần siết chặt quản lý, chứ không thể cứ mãi vuốt ve nông dân. Tôi nghĩ chúng ta đang vừa dùng kỷ luật, vừa dùng sự vỗ về. Nhưng tiến tới phải siết chặt, bảo vệ quyền lợi của những người làm ăn chân chính”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu và đề nghị, cần sự đoàn kết giữa nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, tránh tư duy chen chúc, giành giật nhau như ở ngã tư đường.
Theo ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T – doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu lô hàng khoảng 100 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, đề nghị hướng dẫn các doanh nghiệp về dư lượng những chất bảo quản được phép sử dụng trên sầu riêng xuất khẩu để đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ phía thị trường xuất khẩu.
Đề cập khái niệm xây dựng một “hệ sinh thái sầu riêng” ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, tổ chức sản xuất ngành hàng sầu riêng không chỉ đơn thuần về vấn đề kỹ thuật mà phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài từ 5 năm đến 10 năm tới, hướng đến các thị trường xuất khẩu đem lại giá trị cao. Để làm được điều này, phải xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới hơn 20 thị trường trên thế giới, với chất lượng sầu riêng được người tiêu dùng các nước đánh giá cao cũng như giá cả cạnh tranh với một số nước như: Thái Lan, Malaysia… |