Ngư dân Bình Định muốn sớm gỡ “thẻ vàng”
Trao đổi với đoàn công tác Bộ NN-PTNT, nhiều ngư dân tại Bình Định đã nêu những ý kiến, nguyện vọng trong thực tiễn đánh bắt của họ trên từng chuyến biển trong thời điểm cả nước căng mình gỡ "thẻ vàng" của EC.
Lão ngư Dương Duy Sứ (66 tuổi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) - chủ tàu cá BĐ 93737 TS đặt câu hỏi: Tại sao câu chuyện chống đánh bắt IUU đã được chỉ đạo rất gắt gao từ Trung ương đến địa phương và các lực lượng biên phòng, cảnh sát vào cuộc nhưng đến nay vẫn còn tình trạng vi phạm, có nhiều tàu đánh bắt vượt biên bị nước ngoài bắt giữ?
Ông Sứ nghi vấn, ở đây chắc chắn có bộ phận ngư dân, chủ tàu rủ rê, cố tình vi phạm hoặc có sự môi giới đưa tàu cá ra khơi đánh bắt vượt biên vì lợi ích cá nhân. Vì vậy, ngành chức năng cần điều tra, truy rõ để xử lý nghiêm đối với những chủ tàu, tổ chức môi giới vượt biên đánh cá trái phép.
Trong khi đó, ngư dân Ngô Thanh Long, chủ tàu BĐ 93649 TS cho rằng, 1 số tàu cá vi phạm IUU thường là tàu gỗ, không được trang bị, đầu tư công nghệ đánh bắt hiện đại nên ra khơi thường không cạnh tranh được với các tàu cá khác, đánh bắt không hiệu quả nên đánh liều vượt biên vì nguồn lợi.
Theo ông Long, Nhà nước cần có những chính sách hiệu quả, thiết thực để quy hoạch lại tàu cá, chuyển đổi nghề ngư dân hoặc có chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy hiện đại hóa tàu cá để xóa bỏ tình trạng đánh bắt vi phạm IUU…
Tổng rà soát, loại bỏ tàu cá không hiệu quả
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, những tâm sự, ý kiến, trăn trở của ngư dân là rất chính đáng. Nhiều ý kiến ngư dân đã nhìn nhận được hệ lụy rất lớn khi 1 bộ phận chủ tàu cá cố tình vi phạm IUU, khiến cả ngành thủy sản bị ách tắc.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo rất nhất quán làm sao ngành thủy sản tỉnh phải phát triển hướng bền vững. “Tới đây, tỉnh sẽ cho tổng rà soát lại toàn bộ tàu cá, chủ tàu nào đủ điều kiện bám biển sẽ cho tiếp tục còn không đủ điều kiện do tàu vỏ gỗ rệu rã, xuống cấp, không hiệu quả thì sẽ vận động chuyển đổi nghề”, Chủ tịch UBND tỉnh nói; đồng thời thông tin thêm, đối với các chủ tàu muốn thanh lý tàu cá thì UBND tỉnh sẽ hỗ trợ mua lại thân vỏ và máy tàu. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho ngư dân học nghề cùng với khoản hỗ trợ khác để đảm bảo ổn định đời sống, chuyển đổi nghề…
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao công tác chống đánh bắt IUU của Bình Định. Bộ trưởng cho rằng, Bình Định là 1 trong những địa phương có đội tàu cá lớn nhất cả nước nên cần làm sao quy hoạch lại được nghề đánh cá biển hiện đại, trách nhiệm và chuyên nghiệp. Làm sao để ngư dân hiểu được câu chuyện chống IUU là câu chuyện chung, vì sự phát triển chung của đất nước không chỉ riêng địa phương nào.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nghề khai thác cá biển cần phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp để trở thành nền kinh tế bền vững. Làm sao giá trị hải sản tăng cao, ngư dân thấy rõ được lợi ích thiết thực và chung tay cùng địa phương, ngành chức năng trong công tác chống IUU.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, gỡ “thẻ vàng” của EC không chỉ là thách thức mà nếu thành công thì đó là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam dần hướng đến tính hiện đại, bền vững, tiếp cận với thế giới để đạt mục đích “mạnh từ biển, giàu từ biển”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đồng tình với các ý kiến, nguyện vọng của ngư dân Bình Định và nhấn mạnh, 1 số tàu cá vi phạm IUU, đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài là “những con sâu làm rầu nồi canh”, cần phải tìm ra được “con sâu” đang nằm ở đâu để xử lý; không để thủy sản nước ta mang tiếng “đi ăn cắp tài nguyên nước khác”.
Kiểm soát chặt chẽ, minh bạch cá ngừ, cá kiếm xuất khẩu
Theo Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có số lượng khai thác cá ngừ, cá kiếm xuất khẩu qua châu Âu khá lớn. Vì vậy, trong đợt kiểm tra lần thứ 5 tới đây, Đoàn công tác EC sẽ quan tâm đến các địa bàn này.
Ông Nguyễn Quang Hùng nêu thêm 2 vấn đề lớn cần phải làm ngay đối với công tác chống IUU tại Bình Định, trước mắt cần xác nhận nguồn gốc cá kiếm tại cảng cá Tam Quan, cần chốt xong trước ngày 20-4 và có báo cáo cụ thể lên Bộ NN-PTNT để làm việc với Đoàn công tác EC.
Thứ 2, cần rà soát toàn bộ hồ sơ tại cảng cá, tất cả những tàu cá không đánh số, không có giấy phép phải được khắc phục dứt điểm. Đặc biệt, tuyệt đối không được để xảy ra xác nhận sai nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt không để xảy ra tình trạng tàu cá hoạt động trên biển ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS).
“Năm ngoái, Đoàn EC kiểm tra phát hiện Bình Định xử phạt vi phạm VMS chỉ đạt 10%, họ cho rằng thực thi pháp luật như vậy là chưa nghiêm”, ông Nguyễn Quang Hùng dẫn chứng.
Soát chặt 500 tàu cá mất kết nối 6 tháng
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đề nghị tỉnh Bình Định cần rà soát hơn 500 tàu cá mất kết nối trên 6 tháng, trong đó 90% tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã lắp đặt VMS. Các tàu cá này cần được kiểm soát chặt chẽ ở đâu, vì sao ngắt kết nối để có dữ liệu minh bạch.
Ngoài ra, tỉnh làm rõ 40% tàu cá xuất bến Bình Định nhưng thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh, các khu vực phía Nam không về địa phương trong năm. Trong đó, có 30 tàu cá trên 15m chưa được cấp giấy phép cần xử lý ngay, vì đây là tàu cá nguy cơ vi phạm IUU rất cao…