Ngày 20-6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có bức tâm thư gửi các nhà báo trên cả nước nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6).
Trong thư, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ rằng, những nhà báo viết về nông nghiệp, nông thôn cũng có thể tự hào rằng, mỗi tác phẩm báo chí của mình là để tiến gần hơn đến trái tim của người nông dân.
Cho rằng mỗi người luôn có trong sâu thẳm những cảm xúc tích cực, nhưng đôi khi bị đè nén, chèn ép bởi cảm xúc tiêu cực do những va đập lợi ích hàng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, sứ mệnh của “báo chí xây dựng”, của “báo chí giải pháp” là “gạn lọc” những điều đang đè nén, chèn ép đó, “khơi gợi” những giá trị tốt đẹp, tử tế, để mỗi người lạc quan hơn, dù cuộc sống luôn bộn bề những khó khăn, nghịch cảnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp ở mọi nơi trên thế giới, từ xa xưa đến tận ngày nay và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, là luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, rủi ro. Thời tiết, dịch bệnh, giá cả đầu vào, thị trường đầu ra... luôn rình rập rủi ro, khiến người nông dân cứ phải thấp thỏm từng mùa vụ.
3 chữ “biến” trong nông nghiệp là đặc điểm mang tính thời đại: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đứng trước 3 chữ “biến” đó, không dễ đưa ra dự báo thị trường chính xác trong dài hạn, thậm chí cả trong ngắn hạn. Nhưng vẫn có yêu cầu bất biến trong mọi tình huống, mà người nông dân và ngành nông nghiệp cần chủ động thích ứng là “tăng chất lượng - giảm chi phí”.
Theo ông Lê Minh Hoan, đó không phải là sự đối phó nhất thời hay giải pháp tình thế, mà là sự thay đổi, chuyển đổi có tính chiến lược trong dài hạn. "Con người như một cỗ máy, muốn làm việc với hiệu suất, năng suất cao, cần đến nguồn năng lượng. Cảm xúc tích cực làm nguồn năng lượng dồi dào hơn, bền bỉ hơn. Ngược lại, cảm xúc tiêu cực sẽ làm nguồn năng lượng nhanh chóng vơi đi."
Bộ trưởng Lê Minh Hoan viết: "Niềm tin xã hội cũng là nguồn lực giúp xã hội thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, nhờ mỗi người sẵn lòng chung tay vượt qua khó khăn nhất thời và lan tỏa nhiều khát vọng hơn trong việc đặt ra những mục tiêu dài hạn".
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta vẫn thường nói với nhau về “giá trị cộng thêm”, về “đa tầng”, “đa giá trị” như hướng đi dài hạn, để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đó không chỉ dừng lại trong các khâu sản xuất, chế biến, vận hành, tiêu thụ... mà chính từng ngòi bút của báo chí, truyền thông là công cụ hiệu quả nhất để truyền tải, lan tỏa thông điệp, thương hiệu, giá trị sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế.