Bộ trưởng cho rằng, hiện một số người nhầm lẫn khi cho rằng vật chất nạo vét ở khu quay tàu của nhà máy nhiệt điện là chất thải. Trong khi cả về thực tế cũng như thuật ngữ chuyên ngành thì vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên, luôn được khuyến cáo xem xét tái sử dụng. Nhiều nước trên thế giới họ cũng làm vậy.
Ông cũng cho biết, dự án này đã được đánh giá tác động vào năm 2014, theo luật Bảo vệ môi trường 2005. Khi đó cũng đã hết sức quan tâm đến vấn đề môi trường, đều có tính toán tác động, tuy nhiên vấn đề nhận chìm chưa được quan tâm nhiều như hiện nay. Vì vậy, các hoạt động nhấn chìm vật chất nạo vét ở biển vẫn được thực hiện, như xây dựng cảng Cái Lân (Quảng Ninh), hay việc duy tu bảo dưỡng luồng lạch hàng năm.
Vừa qua, Bộ đã tiếp cận theo Luật TN-MT biển, làm chặt chẽ hơn trên cơ sở xem xét lại toàn bộ báo cáo cũ dưới góc độ môi trường, đánh giá tác động đối với các hệ sinh thái biển. Có những vấn đề tại thời điểm trước báo cáo chưa lưu ý, chưa có những biện pháp chặt chẽ thì trong giấy phép nhận chìm lần này đã có những đề xuất để xem xét một cách toàn diện, bài bản hơn.
Theo đó, Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện đánh giá độc lập hiện trạng môi trường, lấy đó làm nền để đánh giá tất cả tác động khi hoạt động nạo vét, nhận chìm xảy ra. Hiện đã thực hiện xong, kết quả đã công bố công khai. Tuy nhiên Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm khoa học đứng ra khảo sát độc lập, tập hợp các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực để đánh giá toàn diện.
"Mỗi cách tiếp cận có sự khác nhau để phân tích chính xác hơn; về phía Bộ TN-MT có 22 nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực tham gia đánh giá", Bộ trưởng nói.
Bộ TN-MT cũng đã lập hệ thống để quan trắc ở các tầng nước, vị trí nhận chìm. Bộ trưởng khẳng định, tất cả các vấn đề đều cần khảo sát, đánh giá bài bản, vì nó có thể ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế nếu không tính toán kỹ về tính khả thi.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định quan điểm của Chính phủ, của Bộ TN-MT là đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên trên hết. Ông cũng cho hay, tiến độ của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 liên quan đến việc đáp ứng năng lượng cho các tỉnh phía Nam, khi dự báo từ 2018 trở đi, khu vực này sẽ thiếu điện.
Hợp đồng cũng quy định nếu chậm trễ thì bên có lỗi sẽ phải chịu phạt 620.000 USD/ngày (khoảng 15 tỷ đồng). Việc này đặt Bộ Công thương, EVN và các bên phải lựa chọn phương án tốt nhất.
“Tôi cho rằng để đảm bảo vấn đề môi trường, Viện Hàn Lâm khoa học cần tiếp tục đánh giá vì có ý nghĩa về mặt lâu dài, nhu cầu nhận chìm, nhu cầu duy tu bảo dưỡng còn rất lớn”, ông Hà nêu quan điểm.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm ở biển Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 23-6-2017, Bộ TN-MT đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).