Ngày 13-10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ GD-ĐT Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023.
Lễ khai mạc sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách giáo dục của các nước thành viên trong ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam); đại diện Ban Thư ký ASEAN; Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục. Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM.
Bày tỏ sự vinh dự của Bộ GD-ĐT Việt Nam khi là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023 trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, với tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ GD-ĐT Việt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.
Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025, cũng như hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023 như sau: Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa, Việt Nam mới lại có vinh dự đăng cai. Sự kiện còn đặc biệt hơn khi được tổ chức trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành giáo dục, phải chống chọi với đại dịch Covid-19 và việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn.
Phó Thủ tướng khẳng định, giáo dục luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng ASEAN; là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, luật định dành ít nhất 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. Con người là trung tâm của quá trình phát triển, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội đều vì con người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Theo Phó Thủ tướng, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng học tập trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các trẻ em, nhất là ở các nước đang phát triển. Ở các nước ASEAN, trong thời gian hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh đã không được đến trường trong gần hai năm học vừa qua. Việc các trường học phải đóng cửa trung bình 136 ngày trong 18 tháng qua đã tác động rất tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh. Sau những hệ quả nói trên, chúng ta phải đặt mục tiêu tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi, thách thức khó lường trong tương lai. “Những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động học tập của học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN thống nhất về sự cần thiết của việc mở cửa trường học trở lại an toàn và duy trì việc mở cửa các trường học, khắc phục tình trạng hao hụt kiến thức và gia tăng khả năng thích ứng cho hệ thống giáo dục trong ASEAN và các quốc gia thành viên trước đại dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp trong tương lai. Nhu cầu chuyển đổi số các hệ thống giáo dục trong ASEAN cùng sự cần thiết của việc đảm bảo sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho các bên liên quan trong nền giáo dục toàn ASEAN…
Dự kiến, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bộ GD-ĐT Việt Nam sẽ tập trung triển khai thúc đẩy, chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh vì đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc học, dẫn đến việc hổng kiến thức của học sinh mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của các em. Tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam thực hiện tại Hội nghị COP 26 và sẽ phối hợp với các nước đối tác tổ chức các chương trình trực tuyến bồi dưỡng cho giáo viên về phương thức giảng dạy về biến đổi khí hậu. Tạo không gian chung để sinh viên các nước ASEAN và ASEAN+3 chia sẻ về khởi nghiệp trong giới trẻ…