Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ĐBQH cùng toàn xã hội đã dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, trong đó giáo dục và đào tạo chịu ảnh hưởng nặng nề, học sinh phải tạm dừng đến trường trong thời gian dài, sinh viên không ra trường đúng hạn.
Việc dạy và học trực tuyến gây ra nhiều hệ lụy cho thầy, trò và phụ huynh. Toàn ngành đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm để bảo đảm việc dạy và học không bị gián đoạn. Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, ngành giáo dục sẽ bắt đầu với chặng đường mới, nhưng những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên. Việc khắc phục hậu quả không thể một sớm một chiều. Những ảnh hưởng bởi đại dịch không thể cân đong, đo đếm được.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ, các ý kiến chất vất của ĐBQH chắc chắn sẽ giúp ngành giáo dục rõ thêm những việc cần làm, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, và nhân dân giao phó.
Trả lời chất vấn ĐBQH về dạy môn Văn trong trường học, Bộ trưởng cho rằng, đây là môn học quan trọng, vì dạy học sinh cách làm người, rất cần được chú ý. Chúng ta tăng cường dạy các ngoại ngữ nhưng học sinh Việt Nam trước hết phải học tốt môn tiếng Việt, ngữ Văn. Bộ trưởng nhấn mạnh đã thường xuyên chỉ đạo hạn chế dạy Văn theo kiểu mẫu, không được dùng văn mẫu, học thuộc. Ngành giáo dục tới đây sẽ có nhiều điều chỉnh trong dạy môn Văn, nhằm bồi dưỡng cảm xúc chân thành, tự nhiên, hướng tới cái đẹp cho học sinh. Đổi mới cách dạy môn Văn là việc mà ngành giáo dục sẽ làm thường xuyên.
Cũng trong mối liên quan, Bộ trưởng cho biết, việc hạn chế học thêm, dạy thêm cũng là giải pháp để hạn chế học văn mẫu.
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) rằng qua đại dịch, ngành giáo dục thấy cần rút ra điều gì? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, qua dịch bệnh, không chỉ ngành giáo dục, mà cả hệ thống đều coi đây là dịp để “test” lại năng lực thích ứng của mình. Qua đại dịch, ngành giáo dục nổi lên một yếu tố rất quan trọng đó là sự nhiệt thành, tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo cả nước. Đó là điều mà ngành giáo dục đặc biệt trân trọng. Nhưng qua dịch lần này, ngành giáo dục cũng nhận thấy có nhiều điều phải chấn chỉnh, trong đó có vấn đề điều hành phải sát thực tiễn, phù hợp, linh hoạt, sát hợp với thực tế. Trong thời kỳ chống dịch, Bộ GD-ĐT ban hành hàng loạt các văn bản, chính sách để chống chọi với dịch bệnh, đó là kinh nhiệm quý.
Qua dịch bệnh cũng cho thấy cần tăng cường hạ tầng cho giáo dục; tăng cường kỹ năng của giáo viên, học sinh để thích ứng trong điều kiện mới. Đó là những bài học mà ngành giáo dục thấy rất rõ qua dịch bệnh lần này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, học trực tuyến chưa thể thay thế học trực tiếp tại trường, còn nhiều hạn chế. Do đó, khi học sinh quay lại trường thì cần tranh thủ thời gian vàng để hỗ trợ bồi đắp kiến thức cho các em, rất cần sự quan tâm, phối hợp của phụ huynh. Cần tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên ở vùng sâu vùng xa.