Bộ trưởng đưa ra một rừng luật, nhưng trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu?

Mở đầu phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã nhận được 270 câu hỏi.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Từ 16 giờ 25 ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Mở đầu phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã nhận được 270 câu hỏi. Ngay sau đó, điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có tới 50 ĐBQH đăng ký chất vấn trực tiếp Bộ trưởng.
Câu hỏi trực tiếp đầu tiên mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận được là từ ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc phân bổ vốn nhà nước chậm, dẫn đến hiệu quả đầu tư kém.
Tuy nhiên, câu hỏi thẳng thắn nhất đến từ ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), khi ĐB Thúy chất vấn người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về trách nhiệm của Bộ đối với các dự án trọng điểm quốc gia.
Đại biểu Kim Thúy nói: “Báo cáo trả lời của Bộ trưởng về vấn đề này dài 7 trang, trong đó có 1 trang nói về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT. Tuy nhiên, nội dung đó chủ yếu là trích dẫn các văn bản luật mà ĐB hoàn toàn có thể tự tra cứu được, trách nhiệm của Bộ ở đâu thì không rõ. Cách trả lời của Bộ trưởng giống hệt cách trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cách đây 3 nhiệm kỳ, khi đó ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân đã nhận xét rằng, Bộ trưởng đưa ra một rừng luật, nhưng trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu thì không thấy”.
Được dành ít phút cuối của phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận có tình trạng phân bổ vốn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án. Có tình trạng này là do nhu cầu lớn, nhưng vốn có hạn, khả năng “co kéo” có hạn nên giao vốn chậm. Trách nhiệm của Bộ trong trường hợp này là còn nể nang trong việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công, chưa cương quyết bác ngay các phương án chưa đảm bảo chất lượng…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chưa đủ thời gian để trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy. Sáng 15-6, Bộ trưởng sẽ tiếp tục đăng đàn.
Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT xoay quanh các giải pháp cụ thể nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Vốn cho Long Thành có thể lấy từ nguồn dự phòng


Giải đáp những băn khoăn về nguồn vốn rất lớn cần có để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành (dự kiến tại kỳ họp này sẽ được Quốc hội biểu quyết tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, theo đề xuất của Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vẫn có thể sử dụng nguồn vốn dự phòng.

Đây là dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25-6-2015. Theo nghị quyết dự án được đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 114.450 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2014). Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua và dự kiến khởi công giai đoạn 1 vào năm 2019.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Chính phủ đã trình Quốc hội trong kỳ họp này việc tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập để triển khai trước. Về nguồn vốn thực hiện, dự kiến nhu cầu để giải phóng mặt bằng, tái định cư là 23.019 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2017).

Tại nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016, Quốc hội đã cho phép sử dụng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với số vốn còn thiếu (khoảng 18.019 tỷ đồng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để tiếp tục triển khai thực hiện.

Nhiều dự án cấp bách khác chưa cân đối được nguồn

Báo cáo cũng nêu rõ, do nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí cho Bộ Giao thông vận tải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc sử dụng các khoản dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được Quốc hội cho phép nên còn một số dự án quan trọng, cấp bách chưa cân đối được nguồn bố trí.

Đó là dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa cân đối được vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB);  dự án nâng cấp mở rộng QL19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL1 (tỉnh Bình Định); dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án đường Hồ Chí Minh các đoạn còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13. 

Cũng trong diện gặp khó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, còn bao gồm các dự án xây dựng – chuyển giao (BT) phải thanh toán từ gân sách trung ương. Có thể kể đến dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, dự án nâng cấp mở rộng QL20 – (dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2), dự án đầu tư xây dựng ngã ba Huế…

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, Chính phủ sẽ xem xét sử dụng một phần vốn trái phiếu Chính phủ để giải quyết trước một số dự án thực sự cấp thiết như dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nêu trên.

Quyết liệt thoái vốn Nhà nước có thể tạo ra nguồn thu  đến 20 tỷ USD


Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 32 – 34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Theo đó, vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020, vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.

Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư, sẽ tạo ra sức lan tỏa cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư.

Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể mang lại nguồn lực đầu tư đáng kể, đặc biệt từ việc đẩy mạnh quyết liệt thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn thu từ 15-20 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020.

Giải pháp để thực hiện mục tiêu này, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong số 240 DNNN thuộc diện sắp xếp 2016-2020, chỉ giữ lại 103 DNNN; 31 doanh nghiệp cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần hóa còn lại không cần nắm giữ cổ phần lâu dài. Toàn bộ vốn thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành phải được dành cho đầu tư phát triển và không dùng để bổ sung cho chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước.

Hiện nay, giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DNNN lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chưa kể vốn nhà nước tại doanh nghiệp đa sở hữu và vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN.

Vai trò của thị trường vốn còn mờ nhạt


Trong khi đó, thị trường vốn ngày càng trở thành một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính, đặc biệt nguồn vốn trung và dài hạn.

Giai đoạn 2011 – 2015, thị trường vốn đã huy động được hơn 1.211 nghìn tỷ đồng, gấp gần 4 lần giai đoạn 2006-2010, đóng góp bình quân 23% vào tổng đầu tư toàn xã hội. Khối lượng vốn huy động được cho Ngân sách Nhà nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ tăng mạnh, đạt khoảng một triệu tỷ đồng (gấp 13 lần so với giai đoạn 2005-2010). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp huy động được hơn 211 nghìn tỷ đồng thông qua công tác cổ phần hóa.

Trong đó, thị trường chứng khoán giai đoạn 2011- 2015, tăng trưởng bình quân 10%/năm và đến cuối năm 2015, đạt quy mô vốn hóa khoảng 35% GDP.  Thị trường trái phiếu giai đoạn 2011 – 2015 tăng trưởng 25% (riêng trái phiếu chính phủ tăng trưởng 35% và đến cuối năm 2015 đạt quy mô tương đương 59,1% GDP, trong đó dư nợ tín dụng Thị trường trái phiếu đạt khoảng 24,1% GDP. Về huy động vốn thông qua hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2011-2015 thấp và ổn định, đạt trung bình 16,8%.

Có thể thấy, vai trò của thị trường vốn như là một kênh huy động (và cả phân bổ) nguồn lực tài chính chính thức cho đầu tư phát triển vẫn còn chưa thực sự rõ nét. Thị trường vốn nói riêng và thị trường tài chính nói chung vẫn dựa đáng kể vào hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn tương đối hạn chế. Việc phân bổ vốn theo ngành và theo thành phần kinh tế còn chậm thay đổi, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc phát triển thị trường vốn theo thông lệ quốc tế, hướng tới phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiếu bền vững. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường vốn, phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm, gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên (công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo, v.v.); hoàn thiện khung pháp lý cho việc phát triển thị trường mua bán nợ, với sự tham gia của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục