Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: “Thời cơ vàng” để đột phá về khoa học công nghệ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định khoa học công nghệ và chuyển đổi số được xác định là “thời cơ vàng” để Việt Nam bứt phá, trong đó nông nghiệp và môi trường là hai lĩnh vực trọng điểm cần đột phá đầu tiên.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: “Thời cơ vàng” để đột phá về khoa học công nghệ

Sáng nay 10-5, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP Bắc Ninh), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong nông nghiệp và môi trường.

a2c6bb0eaccb887b0dd31bbc005df23e.jpeg
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị, sáng 10-5. Ảnh: ĐINH TÙNG

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định khoa học công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng để kiến tạo đột phá cho ngành trong kỷ nguyên mới.

Theo ông Đỗ Đức Duy, Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22-12-2024 đã xác lập tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn lên thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường.

Trong đó, nông nghiệp và môi trường - hai lĩnh vực chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước - được xác định là “địa bàn chiến lược” để triển khai đột phá.

IMG_8850.jpeg
Quang cảnh hội nghị, sáng 10-5. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo Bộ trưởng, mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống (dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp) đang trở nên lỗi thời. Trong khi đó, các xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết.

“Muốn thay đổi cục diện, bắt buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số như các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, giám sát môi trường tự động, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu “đột phá phát triển” theo tinh thần Nghị quyết 57, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm.

Còn theo TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) thì Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu và đặt khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào vị trí trung tâm chiến lược phát triển.

IMG_8868.jpg
TS Phan Xuân Dũng phát biểu

TS Phan Xuân Dũng khẳng định không có quốc gia nào phát triển bền vững nếu không sở hữu nền khoa học công nghệ hiện đại. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực sẽ giúp thực thi hiệu quả các mục tiêu lớn.

“Việc từ bỏ tư duy không quản được thì cấm cũng là bước đi đột phá để mở đường cho đổi mới sáng tạo”, TS Phan Xuân Dũng phát biểu. Ông đánh giá mục tiêu đưa Việt Nam vào tốp 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh khoa học công nghệ hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt cơ hội.

TS Phan Xuân Dũng cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của nông nghiệp và môi trường. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm, nhưng vẫn là trụ cột an sinh xã hội. Về môi trường, Việt Nam kiên định nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, đang chuyển sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên.

2bdcfd4afe4d4ec76a5544615e358825.jpeg
Hơn 500 đại biểu dự hội nghị về khoa học công nghệ trong nông nghiệp và môi trường. Ảnh: THƠ THƠ

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có 3,7 triệu hội viên (trong đó hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức khoa học công nghệ trên cả nước). Nguồn lực xã hội hóa đã được huy động gấp hàng chục lần vốn nhà nước. TS Phan Xuân Dũng kiến nghị tăng cường đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng kết quả khoa học vào thực tiễn.

Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho rằng đây là cơ hội quý giá để Bắc Ninh tiếp thu tinh thần nghị quyết, đồng thời tiếp cận các sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn từ chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và đào tạo…

5b2a349b8700f493c386f136fa359f0b.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại hội nghị

Ông Tuấn cam kết địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các sáng kiến khoa học công nghệ, chuyển đổi số được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.

IMG_8869.jpg
Lễ ký kết các văn bản hợp tác về khoa học công nghệ

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết một loạt văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhằm mở rộng liên kết ứng dụng vào thực tiễn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, với tinh thần hành động mạnh mẽ, hội nghị sẽ tạo ra xung lực mới để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành nền tảng phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường bền vững.

Tin cùng chuyên mục