Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Rất ít người đề xuất phương án 2 khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Giải trình trước Quốc hội về quy định bảo hiểm xã hội một lần vào chiều 27-5, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm 1 lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2.

Giải trình trước Quốc hội liên quan đến một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH ở Việt Nam còn rất non trẻ mới 29 năm, trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm.

Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình BHXH, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

270520240435-z5481193223738_555ba19eaf174e2e1a544f69b386b208.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình trước Quốc hội chiều 27-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về quy định hưởng BHXH 1 lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất. Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn 1 trong 2 phương án.

Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã lấy ý kiến tác động rộng rãi. Trong đó, qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm 1 lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2.

Bộ trưởng cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút BHXH 1 lần, còn có nhiều giải pháp trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động.

Bộ trưởng cũng cho biết, nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể đảm bảo. Do vậy, trong giai đoạn trước mắt cần đảm bảo hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu.

270520241018-z5480018766770_f01a06ecd62580ab6e2ccbb883c6d3c0.jpg
Quốc hội làm việc tại hội trường vào chiều 27-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về cải cách chính sách BHXH) nêu rõ, phấn đấu tới tiến tới BHXH toàn dân, đa tầng.

Nghị quyết 42-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới), cũng nêu đến năm 2030 đạt độ bao phủ là 60% nên việc mở rộng BHXH là tất yếu.

Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện sẽ được quy định ngay trong dự thảo luật lần này. Đối với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp. Hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau.

270520240403-z5481179629670_3837d9237a88596ebe8d73f7724ef14a.jpg
Giải trình của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung vào cuối giờ chiều 27-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trao đổi với các đại biểu về mức lương hưu thấp nhất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, mức lương hưu thấp nhất chỉ đúng trong vài trường hợp. Do vậy, trong dự thảo luật đề xuất bỏ mức lương hưu thấp nhất để những trường hợp có mức lương hưu thấp hơn cơ sở vẫn có thể tham gia BHXH.

“Bỏ mức lương hưu thấp nhất để nhiều người tham gia BHXH hơn”, Bộ trưởng nói và cho biết, đóng thấp hưởng thấp, còn hơn là không có lương hưu.

Về cải cách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hơn 20 năm chuẩn bị việc này, “khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, thì đợt này đã có tiền với gần 680.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.

Bộ trưởng thừa nhận, cải cách tiền lương là vấn đề mới và phức tạp. Bởi vì, cốt lõi của cải cách tiền lương chính là trả lương theo vị trí việc làm.

Phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng BHXH 1 lần như quy định hiện hành. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH 1 lần.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tin cùng chuyên mục