Sáng 5-6, ngay sau phần trả lời chất chất của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tiếp tục đến lượt Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề nóng.
Mặc dù lần đầu đứng trước nghị trường để trả lời những câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội về những vấn đề nóng mà xã hội và dư luận đang băn khoăn, bức xúc ông Đào Ngọc Dung vẫn khá bình tĩnh, trả lời trôi chảy mọi vấn đề được chất vấn.
Trong đó, các nhóm vấn đề nóng được nhiều đại biểu đưa ra là tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng nhức nhối, nhiều người lao động VN đi làm việc tại nước ngoài rồi bỏ trốn; trong khi đó nhiều doanh nghiệp, đối tượng “cò” lao động đang lừa đảo người lao động, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH ở đâu, như thế nào khi tình trạng chất lượng cũng như năng suất lao động của VN quá thấp, nhiều người đang đứng trước nguy cơ mất việc làm…
Đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) về việc bảo vệ quyền lợi và việc làm cho người lao động trong khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực FDI, giải pháp của Bộ LĐTB-XH như thế nào về khi có nhiều lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI bị sa thải, mất việc khi đến độ tuổi 35…
Trả lời về chất vấn này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định:
Trước hết khu vực doanh nghiệp FDI thời gian qua có vai trò quan trọng, đóng góp lớn về kinh tế cho đất nước và quan trọng là giải quyết lực lượng lao động. Ông Dung cho biết, tính đến nay, riêng khu vực FDI có khoảng 2,68 triệu người đang làm việc, trong đó có những tập đoàn lớn. Phần lớn những tập đoàn lớn rất quan tâm đến người lao động. Vừa qua xảy ra một số vụ việc thì chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Về việc thời gian vừa qua chúng ta bảo vệ người lao động trong các doanh nghiệp FDI như thế nào, ông Dung giải trình rằng về cơ bản thì các doanh nghiệp, các tập đoàn trong khu vực FDI đều quan tâm tới đời sống của người lao động.
Thời gian vừa qua, Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng đã đi kiểm tra thực tiễn tại rất nhiều các doanh nghiệp FDI. Thủ tướng cũng vừa có đối thoại với doanh nghiệp FDI và người lao động. Chúng ta cũng đã điều chỉnh, đề nghị các doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn tới phúc lợi xã hội. Bình quân mức lương hiện nay trong các tập đoàn lớn là 5,5 triệu đồng/ tháng.
“Tuy nhiên trong thời gian qua, cũng có ý kiến nói rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp FDI sa thải số người lao động 30-35 tuổi là lớn, thậm chí có ý kiến cho rằng tỷ lệ sa thải là 80% người lao động ở độ tuổi 30-35 tuổi. Tôi xin báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước là không có chuyện này” – người đứng đầu ngành lao động thương binh xã hội lên tiếng.
Để minh chứng cho câu nói “không có chuyện này”, ông Đào Ngọc Dung minh chứng:
Thời gian vừa qua, ngay sau khi thông tin, chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đi khảo sát, kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, rồi Bắc Ninh và TPHCM thì con số không phải như thế. Chỉ có 11% trong số những người nghỉ việc, xin nghỉ việc hoặc nghỉ 1 lần vì nhiều lý do khác nhau là nằm trong số này, tức là số nằm trong độ tuổi 30-35. Mà cũng không phải tất cả số nghỉ này bị sa thải mà có thể là vì nguyện vọng cá nhân của người lao động muốn nghỉ 1 lần chứ không phải tất cả bị sa thải. “Và nếu tính như vậy thì chỉ có khoảng 1,9% so với tổng số lao động của doanh nghiệp đó” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhìn vào bức tranh tổng thể, các doanh nghiệp, tập đoàn FDI vẫn quan tâm tới người lao động. Ông Dung nói: “Báo cáo Quốc hội, cách đây 1 tuần, tôi có trực tiếp đi nghe ở Samsung, hiện nay họ bỏ tiền ra đào tạo 1986 công nhân học chương trình cao đẳng, trong đó 555 người đã tốt nghiệp. Và khi tốt nghiệp xong thì họ nâng lương cho những người này với mức tăng lên 977.000 đồng/người”.
Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung thừa nhận là cần phải tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cử tri về việc phải chăm lo cho người lao động ở khu vực FDI. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH tiếp tục dẫn chứng: “Vào ngày 2-6 vừa rồi tôi cũng đã báo cáo Chính phủ và trong nghị quyết của Chính phủ đã đồng ý xây dựng đề án tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân, người lao động FDI khi thất nghiệp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đào tạo chuyển nghề cho người lao động khi thay đổi cơ cấu sản xuất là nguy cơ làm người lao động không có việc làm. Khi chúng tôi triển khai đề án này thì các nội dung sẽ phải triển khai chu đáo kể cả về công việc, đào tạo nghề cũng như thu nhập”.