Chiều 13-2 (mùng 2 Tết Tân Sửu), tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ: Mặc dù Cẩm Giàng hiện đã phong toả, nhưng trước đó là đầu mối giao thông khá phức tạp, có sự giao lưu rộng, nên lượng người từ Cẩm Giàng toả đi khắp nơi đã khá nhiều. Do đó, đề nghị các địa phương phải giám sát người đi từ Cẩm Giàng trở về. Theo đó, người đi từ Cẩm Giàng trở về các địa phương phải lập tức khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cần phải giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cả người sống cùng nhà với họ “để đảm bảo an toàn hơn”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh Hải Dương xét nghiệm cho toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trước khi trở lại sản xuất sau kỳ nghỉ tết nguyên đán. Đồng thời lưu ý tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Hải Dương nếu thấy ai có triệu chứng cúm thì phải thông báo cho cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá các ổ dịch tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát tốt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai các biện pháp mạnh mẽ về khoanh vùng, cách ly, phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Các địa phương khác như Hà Giang, Điện Biên, Hưng Yên cũng làm tốt công tác phòng chống dịch.
“Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ việc đeo khẩu trang phải thực hiện nghiêm túc ở tất cả các tỉnh, thành phố. Cùng với việc thực hiện thông điệp 5K, việc đeo khẩu trang phải thực hiện ở mức độ cao hơn, gần như là bắt buộc. Các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp ra khỏi nhà không đeo khẩu trang”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh và khẳng định Bộ Y tế tiếp tục tăng nhân lực hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh.
Liên quan đến việc truy tìm nguồn lây nhiễm ca mắc Covid-19 tại TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biện pháp quan trọng nhất là khoanh vùng, cách ly, phòng chống một cách triệt để, không cố "theo đuổi" nguồn gốc lây nhiễm; huy động tất cả các biện pháp cần thiết trước tất cả các giả thiết được đưa ra.
“Chuỗi lây truyền ở TPHCM không ở mức độ cao bởi thời gian xuất phát điểm của các ca bệnh đầu tiên ở đây từ 15-17 ngày. Về mặt lý thuyết, có thể lây nhiễm nhanh, nhưng trong trường hợp cụ thể tại đây, lây nhiễm từ chủng A.23.1 tương tự các chủng cũ, thậm chí thấp hơn chủng ở Đà Nẵng, Hải Dương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao các biện pháp kịp thời, khẩn trương phòng, chống dịch bệnh của TPHCM và đến nay đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, TPHCM vẫn phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “quét hết tất cả những nơi nghi ngờ, càng mở rộng lấy mẫu càng yên tâm”, đặc biệt cần mở rộng diện xét nghiệm ở các khu vực trọng điểm, lưu ý đến công nhân, người lao động khu công nghiệp.