Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần thay đổi tư duy về viện phí

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần thay đổi tư duy về viện phí

Vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế luôn được coi là một trong những “ghế nóng” trong nội các Chính phủ vì đây là lĩnh vực liên quan thiết thân đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, mức độ hài lòng của người dân đối với y tế luôn ở mức thấp. Chia sẻ với PV Báo SGGP, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh) thừa nhận có rất nhiều đòi hỏi chính đáng của người dân đối với lĩnh vực y tế chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói:

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần thay đổi tư duy về viện phí ảnh 1

Có 4 vấn đề tôi quan tâm hơn cả. Thứ nhất, giảm tải ở các bệnh viện (BV), nhất là ở tuyến trung ương: chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi. Thứ hai, chất lượng dịch vụ y tế, muốn thế phải đổi mới cơ chế tài chính hiện nay. Thứ ba, mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến xã. Phải tăng cường cở sở vật chất, nhân lực, phải có bác sĩ, có trang thiết bị, có đủ thuốc. Tới đây chúng tôi sẽ thay đổi chuẩn y tế xã, để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Làm sao để người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa bị bệnh nhẹ thì đến cơ sở y tế xã, huyện. Điều này vừa giảm tải cho tuyến trên, vừa giúp người dân tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế ở mọi vùng, không phân biệt thu nhập. Thứ tư và cũng bao trùm nhất, đòi hỏi lộ trình dài, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, đó là phải thực hiện được bảo hiểm y tế toàn dân. Đó mới là nguồn tài chính y tế vững bền, bảo đảm được y tế công bằng, lâu dài, hiệu quả và phát triển.

- PV: Ngành y tế còn rất nhiều lời “hứa” trước Quốc hội, trước nhân dân nhưng chưa làm được?

- Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Cần khẳng định, đối với y tế thì y tế công lập vẫn phải là chủ đạo, Nhà nước vẫn phải lo cho nhân dân là chính. Ngược lại, nhân dân cũng phải có ý thức trách nhiệm bằng cách nâng cao ý thức phòng bệnh, ăn uống, luyện tập hợp lý. Những bức xúc của người dân chúng tôi đều hiểu nhưng ngành y tế không thể giải quyết một sớm một chiều.

- Quá tải bệnh viện là bức xúc dai dẳng nhất. Vậy tới đây sẽ đột phá ra sao?

- Thời gian qua đã đạt được giảm tải ở một số BV lớn. 30 năm trở lại đây dân số tăng nhanh nhưng số BV công lập mở ra không bao nhiêu. Vừa rồi nhờ có nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chúng ta đã sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các BV huyện để giảm tải BV tuyến trên tốt. Tuy nhiên việc xây mới vẫn còn rất ít. Ngân sách Nhà nước dành cho BV công lập cũng hạn chế, các BV phải vay vốn để đầu tư, rất khó khăn. Vừa qua chúng tôi có đề án giảm tải các BV lớn, Nhà nước phải đầu tư ngân sách để mở thêm giường bệnh. Ngoài ra, các tỉnh phải dành quỹ đất để mở BV công lập. Cơ chế xã hội hóa trong những năm qua tuy cũng đã xây dựng được nhiều BV dân lập nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, khó khăn nhất vẫn là việc giải phóng mặt bằng.

- Bộ Y tế dự kiến đổi mới cơ chế tài chính như thế nào?

- Hiện nay khung giá dịch vụ y tế đã quá cũ, ban hành từ năm 1994, với giá đó không thể nào có chất lượng dịch vụ tốt được nên phải đổi mới cơ chế tài chính y tế, nghĩa là phải tính đúng, tính đủ. Hiện nay giá dịch vụ y tế chỉ quy định thu một phần, vì thế không đáp ứng đủ chứ đừng nói là tốt. Nhà nước thì bao cấp y tế cho cả người nghèo và người giàu, vì thế người giàu muốn chọn dịch vụ tốt hơn thì BV công lập cũng không có, họ lại tìm ra nước ngoài chữa, rất lãng phí. Các BV công lập vì không được thu cao nên chất lượng không thể bảo đảm cho người dân nên người dân bức xúc, khi nghe thấy thay đổi giá dịch vụ y tế thì liền phản đối. Nhưng mọi người cần hiểu là khi tăng những giá dịch vụ đó thì hầu hết đã được bảo hiểm y tế chi trả.

Nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy, vì giá y tế hiện nay quá lạc hậu. Với giá này mà đòi hỏi chất lượng tốt là điều không tưởng.

PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục