Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị sinh viên ngành y học 6 năm ra trường được xếp lương khởi điểm bậc 2

Sáng 12-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế.

Trả lời chất liên quan đến quản lý các phòng khám đa khoa tư nhân sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, sau đó chuyển sang hình thức khác để hoạt động, không đáp ứng yêu cầu tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ được cấp một giấy phép hoạt động duy nhất.

1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực y tế, sáng 12-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Đây là căn cứ để hành nghề và phải đáp ứng được các điều kiện: về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân lực. Trong đó, các điều kiện về nhân lực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải có số lượng người làm việc toàn thời gian, người hành nghề phải có đăng ký hành nghề và phải đáp ứng các điều kiện như không được hành nghề tại hai cơ sở trong cùng một thời gian.

Bộ trưởng cho biết, nếu người hành nghề đã làm toàn thời gian tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khi cơ sở đó bị đình chỉ, người này không thể làm ngay cho một cơ sở khác, mà phải chấm dứt hợp đồng lao động tại cơ sở vừa mới có vi phạm. Bên cạnh đó, thực tiễn qua nhiều năm vừa qua cho thấy, có một số cơ sở bị đình chỉ thường gắn với lỗi của người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó. Do vậy, khi vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm, người chịu trách nhiệm chuyên môn chính có thể bị tước giấy phép hành nghề, nên để hoạt động được ngay cũng phải có một thời gian để thực hiện theo quy định và đáp ứng được các yêu cầu thì mới được cấp lại giấy phép.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn, sáng 12-11.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn, sáng 12-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, qua phản ánh của đại biểu, Bộ Y tế ghi nhận và lưu ý trong quá trình triển khai các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là liên quan tới các hành vi vi phạm, cần chú ý tránh tình trạng lạm dụng, lợi dụng.

ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) chất vấn, theo quy định dược sĩ phải có mặt tại nhà thuốc khi mở cửa hoạt động, thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ, nhưng hiện nay hầu hết nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn vẫn bán một cách tràn lan. Về vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định, người chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn dược của cơ sở kinh doanh nói chung và của cơ sở bán lẻ nói riêng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

Các đại biểu dự phiên chất vấn, sáng 12-11.jpg
Các đại biểu dự phiên chất vấn, sáng 12-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Các quy định hiện hành đã quy định nghiêm cấm các hành vi bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc; người chịu trách nhiệm về chuyên môn không có mặt có thể bị xử phạt hành chính lên tới 5 triệu đồng. Cũng theo quy định, sở y tế các địa phương chịu trách nhiệm là cơ quan thực hiện việc tiếp nhận thẩm định, cấp, cấp lại, điều chỉnh thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở kinh doanh dược.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các cơ sở y tế đã tăng cường công tác giám sát đối với các cơ sở bán lẻ và hoạt động này ngày càng chặt chẽ hơn. Bộ Y tế cũng đã triển khai quy chế hệ thống kê đơn điện tử quốc gia. Đây là hệ thống quản lý thống nhất trên toàn quốc, giúp cho các cơ sở y tế, nhà thuốc kê đơn quản lý đơn thuốc, giám sát hoạt động bán thuốc theo quy trình minh bạch và hệ thống này yêu cầu tất cả các nhà thuốc phải cập nhật thông tin mỗi khi phát hành hoặc bán thuốc theo đơn và liên kết chặt chẽ với các cơ sở y tế để kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc này. Nếu có những thông tin sai lệch, các cơ sở không tuân thủ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về dược.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM).jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Về chế độ, chính sách cho đội ngũ y tế, Bộ trưởng mong được tiếp tục ủng hộ để hoàn thiện thêm. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị khi thực hiện chính sách tiền lương, với nhân viên ngành y tế học xong 6 năm ra thì được xếp lương bậc 2 luôn. “Vì học y 6 năm ra mà cũng xếp lương bậc 1 như những ngành khác thì thiệt thòi cho cán bộ, nhân viên ngành y tế”, Bộ trưởng đề xuất.

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) về tình hình "ba chân kiềng" của ngành y tế gồm dự phòng, điều trị và cung ứng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Chính phủ đang tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để củng cố lại ba trụ cột này. Các văn bản pháp luật liên quan đến dự phòng, điều trị và cung ứng y tế đang được rà soát và bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành y tế, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng cũng cho biết Bộ sẽ xây dựng Luật Phòng bệnh mới, thay thế Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với 41 ĐB chất vấn và 8 lượt ĐB tranh luận, còn 17 ĐB chưa được chất vấn. Lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế nắm sát vấn đề, trả lời đúng trọng tâm.

Chât vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sáng 12-11.jpg
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sáng 12-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó khẩn trương đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tin cùng chuyên mục