Bộ trưởng Bộ Y tế: Dân vẫn chưa tin y tế tuyến dưới

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay 27-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, việc giảm tải đã được thực hiện quyết liệt nhưng tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên vẫn còn là do người dân không tin tưởng y tế tuyến dưới, bệnh nhẹ cũng vào tuyến trên.

 

Hình ảnh thường thấy tại các bệnh viện tuyến trên
Hình ảnh thường thấy tại các bệnh viện tuyến trên

 Bộ Y tế cũng đã ban hành tiêu chí đối với các bệnh viện, phân hạng bệnh viện, có tổ chức quốc tế minh bạch đánh giá các bệnh viện từ trung ương đến tỉnh. 

Bộ cũng đã đầu tư xây dựng rất nhiều bệnh viện từ Trung ương tới tỉnh, thái độ chăm sóc, trang bị đường dây nóng, bệnh viện xanh sạch đẹp, xây dựng nhà vệ sinh bệnh viện.

Việc lập đường dây nóng đã góp phần chấn chỉnh, xử lý được nhiều y bác sĩ có thái độ không chuẩn mực.

Việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng tính đủ, đưa vào cơ cấu lương để nâng cao chất lượng các bệnh viện, huy động xã hội hoá để giúp người dân có thêm lựa chọn. Bộ cũng đã thực hiện đề án đưa bác sĩ loại giỏi về 62 huyện nghèo đã giải quyết được rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên vẫn còn, và là do “người dân không tin tưởng y tế tuyến dưới, bệnh nhẹ cũng vào tuyến trên”. Ở đây cũng có yếu tố khách quan là trang thiết bị của nhiều bệnh viện cơ sở không đủ, chất lượng khám chữa bệnh giữa các vùng dù đã được tập trung khắc phục, nhưng vẫn là một điểm nghẽn.

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh 3 yếu tố, có thể ví như kiềng 3 chân. Thứ nhất là chăm sóc sức khoẻ ban đầu, lúc chưa bị bệnh. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng 26 mô hình điểm bác sĩ gia đình, phấn đấu 5 năm nữa sẽ có mô hình cơ bản này, ưu tiên cho vùng sâu vùng xa.

Thứ hai là khi bị bệnh phải vào bệnh viện thì phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian nằm viện, tăng chất lượng điều trị. Với giải pháp này thì hiện Bộ đang mời các đơn vị nước ngoài hỗ trợ, hy vọng một ngày không xa thì người Việt không còn phải ra nước ngoài khám và chữa bệnh. Tuy nhiên điều này cần một nguồn lực tài chính, nhân lực lớn.

"Chân thứ ba là nhân lực, tài chính, là cơ sở hạ tầng. Về nhân lực thì xin Quốc hội có đề án đào tạo riêng cho lĩnh vực y tế theo hướng là sau 6 năm đào tạo thì học ít nhất 4 năm nữa mới trở thành bác sĩ (hàn lâm, bác sĩ chuyên khoa)”, người đứng đầu ngành Y tế đề xuất.

Quỹ bảo hiểm y tế có thể cân đối được ít nhất đến năm 2021

Thông tin trên được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Y tế: Dân vẫn chưa tin y tế tuyến dưới ảnh 1 Quỹ bảo hiểm y tế có thể cân đối được ít nhất đến năm 2021
Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2017, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, với tốc độ bội chi như hiện nay cùng với các giải pháp kiểm soát chi chặt chẽ, Quỹ bảo hiểm y tế có thể cân đối được ít nhất đến năm 2021. Tuy nhiên, khả năng cân đối quỹ có thể bị ảnh hưởng khi thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV bởi điều trị bằng ARV phải thực hiện suốt đời với chi phí bình quân cho mỗi người bệnh ở mức gần 20 triệu đồng/năm.
Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2017, ước thực hiện thu bảo hiểm y tế đạt 81.574 tỷ đồng, tăng 9.252 tỷ đồng so với năm 2016, bằng 100,5% so với dự toán được giao (81.156 tỷ đồng). Số thực hiện chênh lệch không nhiều so với dự toán, phản ánh chất lượng công tác lập dự toán phù hợp với thực tiễn. Số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2017 dự kiến quyết toán trên 88.661 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Khoảng 3.138,5 tỷ đồng còn lại tạm thời chưa được bảo hiểm xã hội thanh toán.
Tính bình quân, mức chi 1 thẻ bảo hiểm y tế/năm trên 1,1 triệu đồng, trong khi mức đóng trung bình khoảng 1 triệu đồng/năm.
Cơ quan thẩm tra nhận xét, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cân đối quỹ, như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia… Nhờ đó đã góp phần đạt được kết quả khả quan trong cân đối quỹ được ít nhất đến năm 2021, cơ quan thẩm tra cho biết.

Đáng lưu ý, năm 2017 cả nước có 59/63 tỉnh bội chi, trong đó có một số tỉnh bội chi lớn, trên 1.000 tỷ đồng như Nghệ An, Thanh Hóa. Hà Nội và Quảng Nam cũng là tỉnh có số bội chi tương đối cao. Chỉ có 4 địa phương cân đối được quỹ là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Đắk Nông.

Ngoài ra, việc chuyển tiền bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng của cơ quan tài chính, lao động - thương binh và xã hội tại một số tỉnh, thành phố chưa đúng theo hướng dẫn tại dẫn đến vẫn còn tình trạng ngân sách chưa chuyển kịp thời ở một số địa phương.

Mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi trong khi mức hưởng, phạm vi quyền lợi của người có thẻ tăng lên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, lạm dụng quỹ hạn chế về chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tiếp tục là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi, mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế - cơ quan thẩm tra nhận định.

Tin cùng chuyên mục