Chiều 29-5, cuối phiên thảo luận về báo cáo chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, qua đại dịch, nhận diện đầy đủ, rõ hơn những khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, quản lý, nhân sự... của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Sẽ có đề án phát triển nguồn nhân lực y tế
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu một số giải pháp, trong đó là sẽ tổng rà soát để tham mưu Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030, nhằm giải quyết một cách căn cơ, chiến lược, bảo đảm nhân lực y tế khu vực công đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng với đó, Bộ trưởng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy, quản lý, nhân sự đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở nói riêng. Đồng thời đề nghị đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng.
Về lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực.
Bộ trưởng cho rằng, kinh phí doanh nghiệp, người dân hỗ trợ trong phòng chống dịch ở địa phương, nếu chưa sử dụng hết thì phải đề xuất Thủ tướng Chính phủ để đưa vào hiện đại hóa thiết bị y tế, hoặc là sử dụng cho công tác phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quỹ Bảo hiểm y tế có hạn, trong khi chi ra gần như không hạn chế. Điều này có nghĩa là phải quản lý theo dự toán nhưng hiện nay có hiện tượng y tế tuyến dưới đẩy lên y tế tuyến trên, lên tuyến cuối. Vì vậy, sắp tới, trong nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ lưu ý cho y tế tuyến cuối để đảm bảo thanh toán bảo hiểm y tế.
Sửa đổi luật giải quyết căn cơ thiếu thuốc
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành trình Quốc hội Luật Đầu thầu, Luật Giá (sửa đổi); Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình dự án Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)... để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về nguồn cung ứng thuốc, Bộ trưởng cho biết, hiện đất nước có 22.000 mặt hàng, cơ bản đáp ứng về nhu cầu thuốc. Về tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, Bộ trưởng nhìn nhận cần phải có những giải pháp tổng thể. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Y tế đó là tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế mua sắm, đấu thầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mong các địa phương, các bộ, ngành tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Y tế để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, những giải pháp mang tính chất pháp lý hết sức đầy đủ và căn cơ.
Đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng thông tin Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình huống mới nhằm củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng trong tình hình mới. Trong đó, nội dung liên quan đến mô hình, tổ chức bộ máy, củng cố nhân sự, các cơ chế, phương thức triển khai cho y tế cơ sở, y tế dự phòng...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, khi cùng các bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra phòng chống dịch ở TPHCM, Bình Dương về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì gần như không có gì ăn.
"Chúng tôi phải nói với anh em là đi tìm mì tôm. Tìm hơn 1 tiếng đồng hồ, được 4 gói mì tôm. Ăn xong, lên máy bay, về đến nhà vừa khuya", Bộ trưởng nói và chia sẻ trong giai đoạn dịch, tất cả các ngành đều tập trung vào chống dịch để cứu dân, cứu người và phục hồi kinh tế. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn giảm và hoàn thuế, phí và lệ phí là 132.000 tỷ đồng. Năm 2022, đã miễn giảm và hoàn thuế, phí và lệ phí là hơn 200.000 tỷ đồng. Năm 2023, dự kiến sẽ miễn giảm và hoàn thuế, phí và lệ phí hơn 195.000 tỷ đồng.