Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình cho biết, hiện nay có 9 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC; 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC được biên soạn và ban hành bởi các bộ: Công an, Xây dựng, Công thương, KH-CN. Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình để PCCC cho công trình và bộ phận công trình.
Về PCCC cho máy móc, thiết bị, cả thiết bị điện có Quy chuẩn 1/2020 do Bộ Công thương ban hành. Quy chuẩn 03/2021 về phương tiện PCCC do Bộ Công an ban hành. Quy chuẩn 1/2019 về hệ thống PCCC cho kho chứa, cảng nhập và trạm phân phối khí đốt do Bộ Công an ban hành. Cùng với đó còn có một số quy chuẩn khác có liên quan.
Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước, trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng về PCCC.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình chiều 31-5 |
Bộ trưởng cũng cho biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 06 là quy chuẩn đầu tiên về an toàn cháy cho nhà và công trình, ban hành lần đầu năm 2010, sửa đổi năm 2022, có hiệu lực từ ngày 16-1-2023. Các yêu cầu an toàn cháy của quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm theo quy mô, tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng.
Các phiên bản đều có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật, trên cơ sở nguyên tắc không hồi tố, công trình đã áp dụng quy chuẩn nào trong giai đoạn thiết kế được góp ý hoặc thẩm duyệt thì được sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
So sánh quy định cơ bản Quy chuẩn 06 với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác, Bộ trưởng cho rằng nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi Quy chuẩn 06 quy định không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp. Đối với nhóm nhà xưởng công nghiệp, nhóm nhà dân dụng quy mô trung bình trở lên và nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ.
Quy chuẩn 06 cũng không có nội dung quy định về sơn chống cháy; cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao, với diện tích lên đến 25.000m² không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Các hạng cháy nổ vừa phải, thấp, với diện tích không hạn chế cũng không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Như vậy, theo Quy chuẩn 06 thì đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép.
Còn về cấp nước chữa cháy, Quy chuẩn 06 không bắt buộc yêu cầu các công trình xây dựng bể riêng khi có các giải pháp khả thi khác và được tư vấn thiết kế, tính toán, thuyết minh phù hợp; linh hoạt cho phép cơ quan cảnh sát PCCC có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng, hiện Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học, công nghệ xây dựng, rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi, bổ sung quy chuẩn 06 năm 2022 nhằm đáp ứng yêu cầu về PCCC, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên cơ sở khoa học có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phải phù hợp với tình hình, điều kiện của Việt Nam.
Báo cáo về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn.
Chương trình mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn đến năm 2030, các địa phương đang trong quá trình tổng hợp nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ đồng như nhu cầu công bố của các địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật. Tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ, thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng...