ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, nhiều ý kiến không đồng ý đưa Quỹ vào dự thảo luật. Các quốc gia cũng hạn chế thành lập quỹ kiểu này. “Nếu giữ lại quỹ thì ĐBQH không an tâm là quỹ sẽ được thành lập và triển khai. Những bất cập cũ chưa được giải quyết mà tiếp tục thành lập thì sẽ làm giảm uy tín của Quốc hội. Do đó, đề nghị không đưa quỹ vào dự thảo luật”, ĐB Lê Hoàng Anh nói.
Một số ĐB khác cũng đề nghị phải hết sức cân nhắc khi đưa vấn đề thành lập quỹ vào luật.
Giải trình về điều này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều ý kiến trăn trở tại sao Luật Điện ảnh năm 2006 đã được ban hành có đề cập đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng từ đó đến nay vẫn không thực hiện, nay lại đưa vào dự thảo Luật lần này. Luật Điện ảnh từ 2006 đưa ra nhưng chưa thực hiện được, thứ nhất là do khó khăn về nguồn thu. Nguồn thu của Luật Điện ảnh 2006 không được quy định trong luật và trong nghị định. Vì thế khi triển khai thì không thể đề xuất để xây dựng quỹ. Thứ hai là cơ chế quản lý quỹ cũng chưa rõ là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hay tổ chức tài chính, vì vậy cũng rất khó tổ chức. “2 lần lãnh đạo bộ đã có báo cáo với Chính phủ. Chính phủ đã cho ý kiến tạm dừng và đề nghị nghiên cứu để đưa vào dự thảo sửa luật lần này”, Bộ trưởng cho biết.
Lý giải việc vẫn đưa nội dung quỹ vào dự thảo lần này dù nhiều ý kiến phản đối, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, không phải bộ không hiểu các chính sách, quy định hiện hành là không phát sinh các loại quỹ. “Nhưng không phải cơ quan soạn thảo mong muốn một đặc ân để có một nguồn quỹ này, mà chúng tôi đề xuất trên cơ sở thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước, đó là phải đặt văn hóa ngang kinh tế và chính trị. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững”, Bộ trưởng nói.
Với một ngành công nghiệp điện ảnh, với một lĩnh vực nghệ thuật nếu không được quan tâm, không được đầu tư sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, Bộ mong muốn có một sự đầu tư cho điện ảnh, là một ngành điện ảnh còn đang non trẻ so với sự phát triển của các quốc gia khác. Các quốc gia phát triển đều đã hình thành Quỹ hỗ trợ để phát triển điện ảnh.
“Chúng ta thấy đang khó khăn mà không hỗ trợ thì làm sao để có sự phát triển? Chúng tôi đã cố gắng thiết kế, xây dựng để trình Quốc hội về quỹ, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước là cần thiết. Điện ảnh là một ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, cũng khó thu hút sự đầu tư, vì vậy mục đích của quỹ là để bổ sung, hỗ trợ đến những đối tượng chưa được hưởng những chính sách. Chúng tôi đề nghị có được sự ủng hộ của các đại biểu để ngành này phát triển nhằm bồi đắp tâm hồn và xây dựng giá trị văn hóa tinh thần”, Bộ trưởng phát biểu.
Trong phát biểu của mình, ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) cho rằng, điện ảnh Việt Nam vẫn ở trình độ thấp đối với các cường quốc điện ảnh. Điện ảnh đã được nhiều nước trên thế giới coi là ngành công nghiệp văn hóa, đa dạng, phong phú và ngày càng thu hút nhiều nguồn lực. Vì vậy, Việt Nam cũng nên coi điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, dự thảo Luật nên có chương riêng về hợp tác quốc tế nhằm tạo động lực chặt chẽ hơn cho công nghiệp điện ảnh của Việt Nam phát triển. Cùng với đó, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, đầu tư cho phát triển nghệ thuật đương đại, hỗ trợ tối đa cho phim về đề tài lịch sử, phim dành cho trẻ em…