Từ năm 2015-2018, khách nội địa tăng 1,4 lần từ 57 triệu lên 80 triệu năm 2018, đóng góp 8,4% GDP. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện và trong 2 lần xếp hạng thì đã tăng lên được 12 bậc, hiện nay đứng thứ 63/140 nước.
Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn gặp rất nhiều, tồn tại hạn chế như chất lượng chưa cao, sản phẩm chưa phong phú và còn rất là nhiều hạn chế. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra một số giải pháp cụ thể.
Đó là tiếp tục đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, mang tính xã hội hoá cao; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh phối hợp công- tư; ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là tăng nguồn kinh phí cho Chương trình hành động du lịch quốc gia và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. Hiện nay, kinh phí dành cho hai chương trình này rất thấp, chỉ đạt 54 tỷ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), thấp hơn nhiều so với Thái Lan khoảng 80 triệu USD/ năm).
Đó cũng là việc tiếp tục đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề cho lao động ngành du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hoá thị trường, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thiết chế du lịch và đẩy mạnh xã hội hoá du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch.
"Trong thời gian vừa qua, nhờ công tác xã hội hoá, số lượng buồng, phòng, đặc biệt là 4-5 sao tăng gấp đôi. Sau khi có những hãng hàng không mới ra đời như Bamboo Airlines, Vietjet đã có hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm đến và có nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng với sự phát triển du lịch như sân bay Vân Đồn, cảng Hạ Long… Đây là những kinh nghiệm để sắp đến chúng ta đầu tư, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành…"- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói. |