Được hỏi về suy nghĩ gì khi được tái cử, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ảnh) trả lời giản dị: “Tôi rất mừng vì có điều kiện làm tiếp nhiều việc lớn đang còn dang dở”.
* PV: Thưa Bộ trưởng, là người đứng đầu ngành tư pháp, ông có những kế hoạch đột phá nào trong nhiệm kỳ mới?
* Bộ trưởng HÀ HÙNG CƯỜNG: Trước hết, phải nói là khi được tiếp tục tín nhiệm, tôi thấy rất mừng vì có điều kiện làm tiếp nhiều việc lớn đang còn dang dở. Mong rằng nhiệm kỳ này tôi có thể dành thời gian để tập trung được vào những công việc vĩ mô hơn là vi mô. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều nhiệm vụ mới được Đảng và Nhà nước đặt ra cho ngành tư pháp. Hệ thống pháp lý của chúng ta tiếp tục cần được hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính dự báo dài hạn, làm cơ sở để điều hành đất nước trong suốt thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu cụ thể đặt ra là làm sao từ năm 2016 chúng ta có được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, nếu có sửa đổi, bổ sung cũng chỉ ở biên độ cụ thể.
Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định thành lập Ủy ban dự thảo, sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp là thành viên. Đây là đạo luật gốc, nền tảng của nhà nước pháp quyền. Trong đó, tôi tán thành quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội rằng, những quy định về tổ chức bộ máy nhà nước là ưu tiên hàng đầu trong lần sửa đổi này. Có thể nói, tham gia vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và hệ thống pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong những trọng tâm công tác của ngành tư pháp trong thời gian tới. Cùng với đó là việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sao cho đơn giản hơn, dễ áp dụng hơn và giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho toàn xã hội.
* Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) - được coi là một dấu ấn đáng ghi nhớ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII - đã có hiệu lực được 2 năm. Xin Bộ trưởng cho biết quá trình thi hành đã có chuyển biến gì?
* Chúng tôi đã cơ bản kiện toàn bộ máy cơ quan thi hành án dân sự, vấn đề hiện nay là xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với địa phương. Tiếp nhận và xử lý nhanh, có chất lượng việc thi hành án hành chính có thể coi là công việc trọng tâm được ưu tiên thứ hai của bộ.
* Ông nhìn nhận thách thức nào là lớn hơn cả đối với ngành tư pháp trong những năm sắp tới?
* Rất nhiều thách thức, nhưng theo tôi thì yêu cầu khách quan bức thiết nhất hiện nay là hoàn thiện có sở pháp lý cho bộ máy pháp quyền vận hành hiệu quả nhất. Tạo sự đồng thuận về vấn đề này không dễ, phải có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn. Đơn cử như việc Hiến pháp năm 1980 và sau đó là 1992 trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyền giải thích luật và pháp lệnh - tức là giải thích ý chí của nhà lập pháp. Về lý thuyết, quy định như vậy là rất đúng, rất logic, nhưng vẫn có ý kiến tranh luận rằng luật pháp chỉ quy định những tình huống chung, cuộc sống lại là muôn hình muôn vẻ, không dễ gì áp vào khung được. Tòa án mới là cơ quan phải diễn giải luật để vận dụng vào trường hợp cụ thể, do đó, Tòa án Nhân dân tối cao nên được trao trách nhiệm giải thích luật, xây dựng án lệ để hướng dẫn tòa án cấp dưới… Mà nếu chấp nhận quan điểm này thì phải có sự chuyển đổi chức năng từ cơ quan lập pháp sang cơ quan tư pháp.
ANH THƯ thực hiện